Những vườn hoa thanh niên khoe sắc
Là người dân sống xung quanh khu vực chân tường của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (phố Nguyễn Cao, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Nguyễn Đình Cương hiểu rất rõ nơi đây vốn là một điểm tập kết rác thải lâu năm. Rác thải, mùi xú uế bốc lên trở thành nỗi ám ảnh với người dân. Cử tri phường nhiều lần phản ánh vấn đề này trong các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Với mong muốn giải quyết các vấn đề “nóng” của địa phương, Đoàn Thanh niên phường Đống Mác (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) đã chủ động đề xuất với Đảng ủy phường thực hiện công trình “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”. Nguyễn Tuyết Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đống Mác cho biết: “Đoàn Thanh niên phường đã huy động 20 đoàn viên, thanh niên dọn dẹp, vệ sinh môi trường khu vực này. Từ các vật liệu bỏ đi như lốp xe cũ, chai lọ, ống nhựa, chúng mình đã tái sử dụng để trồng hoa và cây cảnh, làm đẹp cho khuôn viên phía ngoài Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường; biến điểm tập kết rác trước đây thành một vườn hoa đẹp mắt”.
Từ ngày có vườn hoa thanh niên, các hộ dân không còn tập kết rác thải. Nơi này trở nên phong quang, sạch đẹp.
Những ngày này, khi đến ngã tư Trần Quốc Toản - Quang Trung (bên cạnh trường tiểu học Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ít ai nhận ra được khu vực này trước đây là điểm tập kết rác tự phát, tồn tại hơn 10 năm, cống rãnh lầy lội, ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, khu vực từng ô nhiễm, thường xuyên bốc mùi hôi thối này đã thay da đổi thịt, khoác lên mình một diện mạo mới với nhiều cây cảnh, hoa lá màu sắc tươi đẹp. Góc phố trước đây ai cũng phải nhanh chân bước vội qua, thì nay ai đi qua cũng nán lại giây lát để ngắm “khu vườn” nhỏ bé của những thanh niên tình nguyện Thủ đô.
Chị Hồng Mai, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Quang Trung, chia sẻ: “Mỗi lần đón con qua đây mình rất ngại vì rác thải và mùi hôi bốc lên. Bây giờ, thỉnh thoảng mình lại cho bé vào đây chơi. Đây chính là phương pháp trực quan để giáo dục cho con biết bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng”.
Ý tưởng ra đời mô hình được bắt đầu từ các bạn trẻ trong nhóm “Sen trong phố”. Sau đó, Thành đoàn Hà Nội cùng Đoàn Thanh niên các trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Xây dựng, Kiến Trúc… nhân rộng ý tưởng này, thực hiện thiết kế, thi công công trình vườn hoa thanh niên trên các địa bàn các quận. Đoàn Thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu, xây dựng phương án thiết kế hệ thống tưới nước tự động cho công trình vườn hoa thanh niên; tham gia hỗ trợ, tư vấn công nghệ trồng, chăm sóc và lựa chọn giống cây (hoa) cho phù hợp với điều kiện khí hậu…
Hà Nội thêm xanh
Quận Hoàn Kiếm là địa bàn đầu tiên triển khai công trình “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”. Ông Dương Hoàng Ngân - Tổ trưởng tổ dân cư số 7, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Vườn hoa làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu dân cư. Để bảo vệ vườn hoa mới này, chúng tôi đã giao trách nhiệm bảo vệ vườn hoa cho tổ bảo vệ, đồng thời vận động trường Tiểu học Quang Trung, lấy việc chăm sóc vườn hoa làm hoạt động ngoại khóa cho học sinh”.
Hiện nay, Hà Nội đã có 100 công trình “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”. Đoàn viên, thanh niên ngày càng sáng tạo trong việc tận dụng phế liệu như chai lọ nhựa, lốp xe cũ tái chế thành những chiếc bình hoa đẹp mắt. Theo anh Đặng Minh Đức, Phó Bí thư Quận đoàn Ba Đình (Hà Nội), hiện 14 phường của quận Ba Đình đã thực hiện công trình Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa. Không chỉ biến chân rác thành vườn hoa, đoàn viên, thanh niên trong còn xóa rác tường.
Tại quận Bắc Từ Liêm, mô hình này đã được chính quyền địa phương nhân rộng trong toàn quận. Những khu vực công cộng trước đây là nơi bán hàng rong, tập kết rác bừa bãi giờ là những vườn hoa nhỏ xinh, xanh mát.
Anh Nguyễn Đức Ngọc, Phó Bí thư Quận đoàn Bắc Từ Liêm cho biết: “Điều thú vị là trước đó những người dân hàng ngày xả rác bừa bãi thì nay chính họ lại là người chăm sóc cho vườn hoa của Đoàn và coi như đó là một sản phẩm của đồng dân cư ở địa phương đó. Chính điều này đã tác động vào ý thức của mỗi người dân trong công việc bảo vệ cảnh quan ở khu vực mình sinh sống, từ đó họ điều chỉnh hành vi của bản thân, vứt rác đúng giờ và đúng nơi quy định”.
|