Niềm tự hào góp phần làm rạng danh đất nước
Khát khao làm rạng danh Việt Nam qua "Vạn dặm xuân vui" |
Tiên phong định hình y tế số
Ở tuổi 33, TS Phạm Huy Hiệu, giảng viên Trường Đại học VinUni là tác giả chính của cụm 3 công trình khoa học công bố bởi Tạp chí Nature Scientific Data (IF 8.9) và Neurocomputing (IF 5.5) với hơn 700 nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã trích dẫn và khai thác các nghiên cứu này.
Anh đã công bố 70 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và y tế thông minh, trong đó có 24 bài báo tạp chí Q1 và 16 bài hội nghị quốc tế rank A/A* (ICLR, CVPR, ICCV, MICCAI, ICASSP). Anh cũng là nhà khoa học trẻ nhất đạt Giải thưởng khoa học Quả Cầu Vàng 2023; Giải thưởng Gương mặt Việt Nam triển vọng 2023; tác giả 4 bằng độc quyền sáng chế và 1 giải pháp phần mềm hữu ích…
Sinh năm 1992 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015 sau đó anh Hiệu hoàn thành chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện đại học Toulouse (Pháp). Năm 2019, anh về nước và làm việc tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu.
![]() |
TS Phạm Huy Hiệu được vinh danh Gương mặt trẻ |
Hiện TS Phạm Huy Hiệu là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois và là Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp (E-lab) thuộc trường Đại học VinUni. Trong hành trình nghiên cứu, anh và các cộng sự đã thực hiện rất nhiều công trình khoa học mang lại giá trị cho cộng đồng.
Các nghiên cứu của TS Hiệu tập trung khai thác các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu để phát triển các giải pháp có chi phí thấp, dễ sử dụng và tiếp cận ở quy mô lớn nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Anh được ghi nhận là nhà khoa học trẻ tiên phong trong việc định hình y tế số tại Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Các nghiên cứu của anh mở ra hướng nghiên cứu mới, đặc biệt hướng tới giải quyết bài toán, thách thức y tế và công nghệ tại Việt Nam cũng như của người Việt. Trong số đó, 2 công trình về lĩnh vực y tế được đánh giá rất cao là: “Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo” giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y và "Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt".
![]() |
Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu |
Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo” hướng tới thu thập, chuẩn hóa và dán nhãn các cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn để phục vụ phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam.
“Với công trình này, chúng tôi đã công bố 5 bộ dữ liệu quy mô lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa. Các bộ dữ liệu do nhóm thu thập và chuẩn hóa được mở hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế”, TS Hiệu cho biết.
Các bộ dữ liệu này đã được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn và khai thác để đánh giá hiệu quả của các thuật toán, mô hình học máy dựa trên dữ liệu. Sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên khắp cả nước cũng đã sử dụng các bộ dữ liệu này phục vụ học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, giải pháp này đã được triển khai ở hơn 40 bệnh viện trên khắp cả nước và xử lý hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng và được các bác sĩ đánh giá giúp giảm thiểu sai sót, hỗ trợ sàng lọc.
Hiện nay, anh Hiệu đang thiết lập nhóm nghiên cứu mạnh và triển khai nhiều dự án nghiên cứu khác nhau xoay quanh các lĩnh vực như thị giác máy tính (computer vision), học máy thống kê (statistical machine learning) và các ứng dụng của chúng trong việc xây dựng các ứng dụng y tế thông minh (smart healthcare).
Đi để trở về đóng góp cho quê hương
Ở tuổi 35, TS Nguyễn Viết Hương, Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa cũng đã sở hữu 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; 39 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 32 bài thuộc danh mục Q1.
![]() |
TS Nguyễn Viết Hương là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 |
Tốt nghiệp THPT, anh Hương thi đỗ thủ khoa (29 điểm) khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cuối năm thứ nhất đại học, anh nhận được học bổng của Đề án 322 - cử sinh viên đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Ở tuổi 19, anh chọn INSA de Lyon (Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon) - trường kỹ sư hàng đầu nước Pháp để tiếp tục theo đuổi ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ nano.
Bắt đầu một hành trình mới nơi đất khách, anh Hương gặp không ít khó khăn, thách thức như rào cản ngôn ngữ và môi trường học thuật quốc tế. Thời gian đầu việc theo kịp các bài giảng, làm việc nhóm, viết báo cáo và giao tiếp với giảng viên, bạn bè là một thử thách không nhỏ với anh.
Chưa dừng lại ở đó, khó khăn lớn tiếp theo trên chặng đường nghiên cứu khoa học của anh Hương là việc tiếp cận với một lĩnh vực công nghệ hoàn toàn mới - công nghệ SALD (lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển). Công nghệ này anh có duyên được tiếp xúc trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Grenoble, Pháp.
“Những lúc khó khăn tưởng chừng muốn gục ngã, tôi tự trấn an, xốc lại tinh thần với một ý nghĩ rằng, những gì mà mình đang được trải nghiệm ngày hôm nay nhờ học bổng ngân sách Nhà nước. Việc học tập ở nước ngoài không còn là việc cá nhân nữa mà phải nỗ lực để làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế, để sau này về xây dựng Tổ quốc”, anh Hương chia sẻ.
![]() |
TS Nguyễn Viết Hương |
Sau 9 năm sống, học tập, nghiên cứu ở Pháp, TS Nguyễn Viết Hương được một số cơ sở nghiên cứu đề xuất vị trí làm việc lâu dài, có thể định cư dễ dàng và sống khá thoải mái ở đây nhưng anh đã từ chối những lời mời hấp dẫn đó. Anh quyết định trở về Việt Nam với một suy nghĩ thôi thúc: “Mình phải có hoài bão gì lớn hơn, đóng góp lớn hơn cho quê hương”.
Năm 2019, anh Hương về làm việc tại trường Đại học Phenikaa và chủ trì dự án xây dựng, tự thiết kế hệ thống SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước. SALD là một trong những công nghệ chế tạo nano tiên tiến nhất hiện nay. Những nghiên cứu của anh Hương phát triển theo hướng đi sâu tìm hiểu cấu trúc nano, tính chất vật lý của các vật liệu tiên tiến, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, gồm: Chuyển đổi và lưu trữ năng lượng sạch, thiết bị điện tử thông minh, xử lý nước sạch và môi trường…
Anh Hương và các cộng sự đã cho ra mắt phòng thí nghiệm công nghệ SALD. “Đây là hệ thống lắng đọng đơn lớp nguyên tử (SALD) ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước, đánh dấu bước ngoặt lớn, cho phép chế tạo các màng mỏng nano ô-xít kim loại bán dẫn với mức độ điều khiển bề dày tới từng đơn lớp nguyên tử. Đặc biệt, chúng ta chủ động được công nghệ và hoàn toàn có thể mở rộng ra quy mô lớn”, anh Hương chia sẻ.
Hệ thiết bị này có giá thành thấp hơn nhiều lần so với mua thương mại. Thành công bước đầu của anh và nhóm nghiên cứu đã gây sự chú ý của cộng đồng nghiên cứu khoa học và nhận được sự bắt tay hợp tác từ các trường đại học ở Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Malaysia, mở ra nhiều cơ hội phát triển sâu rộng trong tương lai.
Chinh phục đỉnh cao tri thức
Sinh năm 2006, Thân Thế Công, sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội là chủ nhân chiếc Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2024. Công cũng là người duy nhất của đội tuyển Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Olympic vật lý Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2024.
![]() |
Bạn trẻ Thân Thế Công |
Ngoài ra, Công còn giành Huy chương Đồng tại Olympic Vật lý Châu Á 2023 và Huy chương Vàng kỳ thi học sinh giỏi Vật lý, khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2023. Với những thành tích ấn tượng này, Công được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2024.
Công cho biết, niềm yêu thích môn Vật lý được khơi nguồn và nuôi dưỡng từ bà ngoại, giáo viên dạy Lý. “Bà đã nuôi dưỡng cho mình niềm yêu thích môn học này bắt đầu từ những câu hỏi về hiện tượng đời sống như vì sao có cầu vồng, tại sao nước lại đông đá... Hơn nữa, khi vào lớp 8, mình gặp được một thầy giáo dạy Lý rất tâm huyết. Dần dần, càng học mình càng yêu thích Vật lý và không ngừng tìm hiểu để khám phá các hiện tượng xung quanh”, Công kể.
Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, trong đó có tấm Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2024 nhưng ít ai biết rằng Công từng sao nhãng trong học tập, trốn chơi điện tử và bị mẹ nhắc nhở, thu máy tính.
Sau lần đó, Công đã tự hứa với bản thân học tập nghiêm túc, nhất là khi trở thành học sinh lớp chuyên Lý của THPT Chuyên Bắc Giang với mục tiêu thành học sinh giỏi quốc gia.
Theo Công, để học tốt môn Vật lý, đầu tiên là phải nắm vững kiến thức nền của môn học, đặc biệt là các công thức để giải bài tập. Ngoài ra, môn Vật lý liên quan nhiều đến thực nghiệm nên các bạn phải hiểu rõ các hiện tượng trong đời sống. Với các bạn tham gia kỳ thi quốc gia môn Vật lý, có thể luyện nhiều đề thi trên mạng để tự mở rộng kiến thức cũng như kinh nghiệm làm bài thi.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làm theo lời Bác, cán bộ Đoàn vững vàng lập thân, lập nghiệp

Tuổi trẻ Huế dân chủ, trách nhiệm trong góp ý sửa đổi Hiến pháp

Giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho sinh viên

TP Hồ Chí Minh: Biểu dương 341 gương học tập, làm theo lời Bác

Kiều bào tích cực trồng cây, học tập theo lời dạy của Bác Hồ

Chàng trai xương thủy tinh và món bánh rán đường phố

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Học và làm theo Bác để vượt qua khó khăn, thử thách

Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII
