Nỗi đau sẽ nguôi ngoai nhưng tình người mãi đọng!
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh bồi hồi bên bến phà Xuân Sơn - một trọng điểm ác liệt năm xưa, nhiều bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh vì bom thù |
Đối với PGS. TS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, đề tài thương binh, liệt sĩ chiếm phần quan trọng trong quá trình sáng tác của ông. Mười năm trở lại đây, ông đã viết hơn 30 bài thơ ngợi ca sự hy sinh thầm lặng của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (bên trái) không chỉ nói lời tri ân, biết ơn, kế thừa lịch sử mà còn hành động góp quỹ giúp thương binh và thân nhân liệt sĩ |
Từ những tấm gương cụ thể trong đời sống thường nhật, ông đã khái quát thành những triết luận mang tính định hướng tư tưởng sâu xa, truyền niềm tin yêu vào cuộc sống tuy còn gian khó, nhưng tương lai đất nước đang mở ra với nhiều triển vọng.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh dóng chuông ở đền Long Đại tri ân các liệt sĩ |
Chính vì vậy, thơ ông tuy miêu tả những nỗi đau xé lòng, nhưng không làm con người bi lụy, gục ngã; Trái lại, cổ vũ mạnh mẽ sự dũng cảm vượt qua nỗi đau, vun đắp tình nhân ái, tạo nên sức mạnh lớn lao để vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, vượt khó làm giàu, bền bỉ cùng toàn dân dựng xây cuộc đời mới. Bài thơ “Tháng bảy nối dài thương nhớ” là một ví dụ điển hình.
Với bài thơ này, ra đời đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh không chỉ nói lời tri ân, biết ơn, kế thừa lịch sử, mà còn là niềm tự hào về sự đi lên của đất nước hôm nay. Bài thơ nồng ấm một bài học đạo lý làm người, mà tươi trẻ chất đời thực, gợi hướng về ngày mai hạnh phúc.
Khi người Ông của anh
Ngã xuống ở Him Lam
Cha anh vừa tròn hai tuổi
Lúc Cha nằm xuống Tây Nguyên
Anh còn trong bụng mẹ
Khổ đầu là nỗi đau xé lòng. Sự mất mát nào mà chẳng đau, hơn thế, là sự mất mát ở cả hai thế hệ: người Ông hy sinh ở Mặt trận Điện Biên Phủ, thời chống Pháp. Người Cha hy sinh ở Tây Nguyên thời chống Mỹ. Thế hệ trước ngã xuống thì có thế hệ sau lớn lên, tiếp nối, dù mới “hai tuổi”, dù “còn trong bụng mẹ”. Nhưng sâu thẳm trong nỗi đau là niềm tự hào, vì người Ông đã góp phần “làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và người Cha góp phần “Máu” để kết thành “Hoa” chiến công rực rỡ nhất của dân tộc là chấm dứt vĩnh viễn ách nô lê ngoại bang, mở ra cho đất nước mình chân trời Tự do, Hạnh phúc!
Khổ hai là hiện tại:
Mỗi tháng bảy về
Anh tất bật lên Tây Bắc
Thắp nhang mộ Ông
Lại xuôi Tây Nguyên
Tìm mộ Cha còn nằm trong đất!
Lời thơ tuy là sự kể lại người con, người cháu (anh) dịp tháng bảy, Ngày Thương binh - Liệt sĩ lên tận Điện Biên thắp nhang mộ Ông, rồi xuôi Tây Nguyên tìm mộ Cha, nhưng chìm trong giọng kể ấy, là nỗi niềm kính trọng, khâm phục về “anh” đáng kính: Nhớ về Ông Cha là tri ân, biết ơn lịch sử. Đó là con người biết đạo lý, sống đúng với ý nghĩa con người!
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh ở Cổng Trời - nơi vang tiếng hô của Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân: "Nhằm thẳng quân thù, bắn!” |
Đến khổ ba, người “anh” hiện lên rõ hơn, về tuổi tác, về đặc trưng hình dáng, về hoàn cảnh:
Chưa đầy năm mươi xuân
Tóc đã lơ thơ sương tuyết
Tháng bảy mưa tuôn
Nước mắt cạn khô
Vẫn trụ giữa cuộc đời giông gió
Nếu dừng lại ở đây, đã có thể “kết lại” một bài thơ cảm động. Hai câu cuối có sức khái quát về một hình tượng, một thân phận với sự hy sinh quá lớn đủ tạo ra sức gợi, sức liên tưởng về những mảnh đời bị mất những người thân yêu nhất tức là mất đi điểm tựa cuộc đời họ. Chỉ còn người Mẹ, vất vả, tảo tần, nuốt nước mắt vào trong nuôi con thơ dại.
Đứa trẻ “hai tuổi”, đứa con chưa ra đời kia thiệt thòi biết chừng nào! Thơ tại ngôn ngoại ở chỗ ấy! Sức mạnh biểu cảm của thơ ở chỗ ấy. Không có ngôn từ về nỗi đau, nhưng cảm thấy nỗi đau xoáy vào tâm can, nói “nước mắt cạn khô” là nói nước mắt chảy ngược vào trong!
Nhưng bài thơ đi theo kết cấu mở, mở ra cả một không gian mới, ấm áp niềm tin, ấm áp tình đời:
Mảnh vườn nhà sum suê hoa trái
Mặt ao, cá quẫy dưới trăng
Lời bà con rôm rả chiếu sân
Nước chè xanh, xanh quê hương thân thiết…
Một không gian yên ả, đầm ấm, hạnh phúc có vườn cây sum suê, có ao cá quẫy, nhất là cảnh sum họp láng giềng. Có hình ảnh, có âm thanh, có hương vị đậm chất đồng quê, trữ tình, mộc mạc mà xôn xao, vương vấn... Đó là kết quả, là thành quả của lao động “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương”... Đúng vậy và đương nhiên là vậy! Khổ cuối là sự “gói lại” tư tưởng bài thơ:
Chắc dưới cõi âm
Ông và Cha rất vui lòng
Biết xóm thôn đẹp giàu
Ấm áp thương yêu…
Khổ thơ đã nâng thi phẩm lên một tầm ý nghĩa mới: Nhờ có những người như Ông, như Cha mới có ngày hôm nay hạnh phúc đủ đầy. Con cháu luôn tưởng nhớ, biết ơn, kính trọng tiền nhân. Đó là đúng với truyền thống văn hóa của dân tộc ta “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Tổ tiên cũng rất hạnh phúc, tự hào vì công lao của mình đã được cháu con tiếp thu, thừa hưởng xứng đáng.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thắp nhang tại mộ 8 cô thanh niên xung phong hy sinh trong hang đá ở Quảng Bình |
Hai câu cuối cô đọng, giàu ý, đậm tình: “xóm thôn đẹp giàu” (văn hóa vật chất); “ấm áp yêu thương” (văn hóa tinh thần). Không chỉ là người “dưới cõi âm” mong thế, mà người trần cũng mong vậy! Đó cũng còn là lời khẳng định: “xóm thôn đẹp giàu” và “ấm áp yêu thương” là cội nguồn của sức mạnh, cội nguồn của Hạnh phúc. Nên phải biết trân trọng, giữ gìn, phát huy lên tầm cao mới!
Bài thơ gửi đi thông điệp sâu xa: nỗi đau sẽ nguôi ngoai, còn tình người đọng mãi!
Tháng bảy nối dài thương nhớNguyễn Hồng Vinh
Khi người Ông của anh Ngã xuống ở Him Lam Cha anh vừa tròn hai tuổi Lúc Cha nằm xuống Tây Nguyên Anh còn trong bụng mẹ
Mỗi tháng bảy về Anh tất bật lên Tây Bắc Thắp nhang mộ Ông Lại xuôi Tây Nguyên Tìm mộ Cha còn nằm trong đất!
Chưa đầy năm mươi xuân Tóc đã lơ thơ sương tuyết Tháng bảy mưa tuôn Nước mắt cạn khô Vẫn trụ giữa cuộc đời giông gió
Mảnh vườn nhà sum suê hoa trái Mặt ao, cá quẫy dưới trăng Lời bà con rôm rả chiếu sân Nước chè xanh, xanh quê hương thân thiết…
Chắc dưới cõi âm Ông và Cha rất vui lòng Biết xóm thôn đẹp giàu Ấm áp thương yêu… Hà Nội, tháng 7/2022 |
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh