Nơi kẻ trộm "không được phép" lộng hành...
Bắt 3 đối tượng trộm cổ vật tại đền Vân Mộng Hà Nội: Lợi dụng mưa bão, kẻ gian cắt trộm cây sưa trên phố Phan Kế Bính “Lố” ở nơi linh thiêng - Bài 1: “Tự sướng” khác người... |
“Trời không dung, đất không tha”
Đền, chùa trong tín ngưỡng của người Việt Nam là nơi rất linh thiêng. Chính vì vậy, người Việt có những kiêng kỵ nhất định ở chốn tâm linh để tránh những điều không may mắn, tai họa có thể xảy ra như: Mặc trang phục phản cảm, lừa đảo, trộm cắp của đền, chùa… Tuy nhiên, nhiều kẻ gian lợi dụng sơ hở, thiếu cảnh giác của người quản lý nên trộm tài sản của đền, chùa gây bức xúc trong dư luận.
“Trời không dung, đất không tha” và hàng nghìn lượt chia sẻ nội dung khi vừa qua Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, Công an huyện Mỹ Đức khám phá vụ trộm cổ vật tại đền Vân Mộng (thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức).
Ba đối tượng trộm cổ vật ở đền Vân Mộng bị bắt giữ |
Hiện cơ quan chức năng đã làm rõ và tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Phạm Đức Hùng (sinh năm 1980, ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam - có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, chuyên nhằm vào đền, chùa, các nơi thời tự), Bùi Hữu Đạt (sinh năm 1973 ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - "đầu nậu" chuyên mua bán đồ cổ vật, thờ cúng, có 1 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) và Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1979 ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội - chuyên mua gom những cổ vật do trộm cắp mà có).
Cơ quan chức năng đã thu giữ các cổ vật quan trọng bị mất và đang làm thủ tục bàn giao cho Ban Quản lý đền Vân Mộng.
Tại cơ quan công an, nhiều đối tượng đã khai nhận phương thức, thủ đoạn và “tinh thần thép” khi trộm đồ thờ, cổ vật ở đền chùa.
Việc trộm đồ thờ, cổ vật ở nơi linh thiêng khiến người dân bức xúc |
Sở dĩ các đối tượng lựa chọn đền, chùa để thực hiện hành vi trộm cắp là do ở những nơi này, công tác quản lý, bảo vệ chưa thực sự nghiêm ngặt. Nhiều đền, chùa nằm ở những nơi vắng người, xa khu dân cư, tường bao quanh thấp; Người trông coi thường nghỉ ngơi ở các gian nhà cách xa, thậm chí có nơi không có người trông coi.
Hơn nữa, các đền, chùa lại là nơi dễ dàng ra vào nên các đối tượng trộm cắp có thể vào thăm dò mà không gây sự chú ý với những người xung quanh, cũng như chính người quản lý tài sản.
Thông thường, trước khi gây án, các đối tượng thường đóng giả làm tín đồ đi lễ, tham quan các nơi thờ tự để tiếp cận cổ vật, hòm công đức, tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người quản lý, trông coi rồi đợi nửa đêm hoặc gần sáng mới đột nhập.
Ai cũng nhận thấy, việc mất tài sản tại các đền, chùa không những làm tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến văn hóa, tín ngưỡng mà còn gây bức xúc trong Nhân dân, bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Giải pháp từ nhiều phía
Để ngăn chặn nạn trộm cắp ở đền chùa, thời gian qua, lực lượng công an các địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo quản tài sản của người quản lý các đền, chùa và Nhân dân.
Lực lượng chức năng cũng tích cực nắm bắt tình hình, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống trộm cắp tại các đền, chùa; Chủ động phối hợp điều tra, bắt giữ đối tượng trộm cắp tại các đền, chùa và thu hồi hiện vật bị mất.
TP Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều đền, chùa. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trộm cắp tại những nơi này, lực lượng công an địa phương chỉ đạo lực lượng công an xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng gây án; Trực tiếp đến các đền, chùa trên địa bàn để nhắc nhở, hướng dẫn bảo vệ tài sản, lắp đặt camera an ninh; Luân phiên cắt cử người trông coi tăng cường nắm bắt tình hình, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phòng, chống trộm cắp.
Nhiều Ban Quản lý các đền, chùa trên địa bàn cũng đã nêu cao tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản.
Các cổ vật ở đền, chùa được đạo chích "gom" được |
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống tội phạm trộm cắp tại các đền, chùa, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, nhất là dịp lễ Tết, chính quyền các địa phương cũng cần chỉ đạo Ban Quản lý đền, chùa siết chặt quản lý, bảo vệ tài sản; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là các đối tượng thanh, thiếu niên.
Khi phát hiện đối tượng khả nghi, Ban Quản lý các đền, chùa cần kịp thời báo cho công an địa phương đến kiểm tra, xử lý.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Quản lý các đền, chùa quyết định số lượng hòm công đức, không bố trí quá nhiều hòm công đức để tiện cho việc giám sát, bảo vệ... Đặc biệt, đối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố hoặc trông coi cẩn thận. Chính quyền địa phương cũng cần có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát.