Nữ cán bộ dám... "vượt rào"
Gỡ khó trong công tác cán bộ nữ TTTĐ - Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện ... |
Bài 2: Vì sao công tác cán bộ nữ chưa được như kỳ vọng? TTTĐ - Tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy là một tiêu chí được quan tâm trong chiến lược công tác cán ... |
Hơn 8 năm làm Chủ tịch UBND phường
Quận Long Biên thành lập được 20 năm thì chị Vân cũng làm công chức được từng ấy năm. Chị là học viên của lớp đào tạo cán bộ, công chức nguồn đầu tiên của TP Hà Nội.
Chị Vân kể, năm 2003, chị tham gia lớp đào tạo cán bộ, công chức nguồn của TP Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, chị về làm công chức tư pháp tại phường Giang Biên. Quá trình công tác 7 năm, chị được lãnh đạo phường đánh giá cao và được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh tế đô thị. Đến tháng 6/2015, chị được bầu làm Chủ tịch UBND phường Giang Biên. Từ 1/9/2022, chị được điều động về làm Chủ tịch UBND phường Việt Hưng.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Đặng Thúy Vân tiếp công dân tại phòng làm việc |
Khi chuyển từ vị trí công chức chuyên môn lên làm lãnh đạo, ở vị trí người đứng đầu, chị phải chịu trách nhiệm toàn diện, tất cả các mảng, lĩnh vực đều phải hiểu và nắm được. Để làm được điều đó, bên cạnh việc thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ, kĩ năng quản lý, chính sự quyết đáp, dám nghĩ, dám nói, dám làm là “chìa khóa” giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình.
Sự chuyển hóa được thể hiện trong cách chị xử lý 2 mảng việc khó và nóng tại địa phương, đó là giải phóng mặt bằng và quản lý nhà chung cư.
Về giải phóng mặt bằng, suốt 19 năm ở Giang Biên, chị đã tham gia chỉ đạo triển khai rất nhiều dự án trọng điểm của quận trên địa bàn phường nhưng chưa từng phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Khi về phường Việt Hưng, chị bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đường 25m từ khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m khu đô thị mới Việt Hưng. Thời điểm đó, nhiều hộ dân phản đối vì đất thổ cư bị thu hồi với giá thấp và không được bố trí tái định cư tại chỗ, thậm chí họ dùng các biện pháp cực đoan để chống đối cán bộ…
Để công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, chị Vân vận dụng công tác dân vận khéo |
Chị Vân kể: “Khi giải phóng mặt bằng khu vườn chuối lấy đất thực hiện dự án mở rộng đường 25m, hàng chục người dân nằm lăn xuống đất không cho lấy, thấy vậy, tôi cũng không ngần ngại, vào nằm xuống đất lăn cùng dân luôn. Thế rồi, người dân cũng xuôi và chấp thuận ngồi xuống đối thoại.
Sau khi nghe những bức xúc, ức chế của người dân về những quy định bất cập liên quan đến việc bồi thường, tôi thuyết phục người dân bằng lợi ích công cộng, những giá trị kinh tế, xã hội, lợi ích có được của người dân, cũng như sự phát triển của địa phương sau khi con đường được mở ra, rồi người dân cũng đồng tình”.
Một vấn đề khác rất nóng tại nhiều địa phương, trong đó có phường Việt Hưng là công tác quản lý chung cư. Việc này khó vì hiện các quy định pháp luật về chung cư còn nhiều điểm chưa khớp với thực tế, dẫn đến nhiều mâu thuẫn, bất cấp, gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương.
Chị Vân vẫn thường nói vui với cán bộ địa phương rằng, ở chung cư có “54 dân tộc anh em”, tổng hợp nhiều loại hình dân cư, phức tạp và thường xảy ra mâu thuẫn giữa người dân với ban quản trị, chủ đầu tư, đơn vị quản lý dịch vụ về lợi ích kinh tế. Trong khi đó, thẩm quyền giải quyết của phường rất hạn chế, chủ yếu chỉ nắm bắt tình hình.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Đặng Thúy Vân chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng |
Đơn cử như sự việc mâu thuẫn ở chung cư CT17 Việt Hưng kéo dài suốt 3 năm không giải quyết được. Đến khi chị Vân về làm Chủ tịch phường đã được giao ngay nhiệm vụ giải quyết mâu thuẫn này. Thời gian đó, tối nào chị cũng đến từng nhà dân nói chuyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Sau 4 tháng nằm vùng, tìm hiểu rõ vấn đề, chị đã mở hội nghị bất thường từ 7h tối đến hơn 1h sáng và giải quyết ổn thỏa vụ việc mâu thuẫn kéo dài tại chung cư này. Từ đó đến nay, chung cư hoạt động ổn định.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, chị Vân nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân. Đại diện cư dân khu chung cư CT17 nhắn: “Cảm ơn đồng chí Chủ tịch đã dành nhiều tình cảm, thời gian, tâm huyết, trách nhiệm, đồng hành cùng ban quản trị, hệ thống chính trị cơ sở tổ dân phố 14 trong việc giải quyết những bất ổn của CT17 kéo dài nhiều năm qua. Khép lại chuỗi ngày buồn để vui bước trên chặng đường mới, khôi phục lại hình ảnh đẹp vốn có của cụm chung cư CT17”.
Sau khi giải quyết xong mâu thuẫn tại chung cư CT17, ngay lập tức, chị Vân bắt tay tiến hành xây dựng các tiêu chí, kế hoạch chung cư kiểu mẫu để nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng đến môi trường chung cư phát triển ổn định.
Chị cũng là người tiên phong trong việc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban quản trị chung cư và tổ dân phố. “Việc xây dựng quy chế này để giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Bởi thực tế, Ban quản trị chung cư hoạt động khá độc lập, không có mối liên kết với tổ dân phố, chính quyền, không có sự phối hợp trong hoạt động nên điều hành rất khó. Vì vậy, khi có quy chế cụ thể, sẽ có sự gắn kết và công tác quản lý sẽ thuận lợi hơn”, chị Vân nói.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Đặng Thúy Vân cùng cán bộ đến nhà dân tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy |
Làm việc không thời gian hành chính
Là cấp chính quyền gần dân nhất, UBND phường giải quyết hầu hết các vấn đề về thủ tục hành chính cũng như những vấn đề phát sinh trong đời sống người dân.
Thông thường, việc đầu tiên sáng thứ hai hàng tuần của Chủ tịch phường là họp giao ban với các ủy viên ủy ban phụ trách: Nội chính, địa chính, văn hoá, quân sự, công an... để nắm tình hình trong phường và bàn công việc cần làm trong tuần.
Hàng tuần, Chủ tịch phường thường phải tham dự hàng chục cuộc họp, trực hành chính, tiếp dân và xuống địa bàn giải quyết các vấn đề dân sinh… Dù là nam hay nữ thì khối lượng công việc của chủ tịch phường vẫn vậy.
“Điện thoại của tôi luôn ở chế độ 24/24h, để cán bộ, người dân có thể gọi bất cứ lúc nào khi có các sự kiện bất thường xảy ra như cháy nổ, an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh… Thời gian làm việc của tôi không có khái niệm ngày nghỉ cuối tuần”, chị Vân chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Đặng Thúy Vân thăm người cao tuổi ốm đau |
Từ ngày nhận trọng trách là Chủ tịch UBND phường Việt Hưng - phường lõi của quận Long Biên và đã có rất nhiều thành tích, chị Vân không khỏi lo lắng về nhiệm vụ của mình. Làm sao để đưa hơn 25.000 người dân trong phường có cuộc sống ổn định, hài hòa, phát triển? Làm sao để duy trì sự ổn định về an ninh trật tự và phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội của phường? Gần như ngày nào cũng vậy, chị luôn là những người rời cơ quan muộn nhất.
Người ta thường ví làm cán bộ là “làm dâu trăm họ”, là “công bộc” của dân để thấy được sự vất vả của một người cán bộ. Với cán bộ nữ thì sự vất vả đó nhân lên gấp bội bởi họ còn gánh trên vai thiên chức làm vợ, làm mẹ.
“Với cán bộ nam thì sau giờ hành chính, họ có thể đi giao lưu, tiếp khách, còn tôi rất hiếm khi có việc đó, trừ những cuộc mang tính chất giao lưu quan trọng của địa phương. Làm cán bộ là do Nhân dân, lãnh đạo giao phó thì mình phải hoàn thành với trách nhiệm cao nhất nhưng vẫn phải hài hòa, các công việc gia đình, chứ không thể đánh đổi gia đình được”, chị Vân tâm sự.
Cán bộ phường Việt Hưng trao quà hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo |
Chứng kiến chặng đường hơn 8 năm làm Chủ tịch UBND phường của chị, nhiều lãnh đạo thân thiết ở phường bạn phải nể phục, thốt lên: “Nhìn chị lúc nào cũng thấy nhiệt huyết, máu lửa như ngày đầu làm chủ tịch”.
Việc gì cũng bắt đầu từ dân
Sau 20 năm làm cán bộ, trưởng thành từ cơ sở, chị Vân đúc kết được rằng, mọi việc muốn xử lý tốt phải bắt đầu từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trong từng vấn đề người dân gặp phải.
“Tôi trưởng thành từ dân nên nắm rất chắc tình hình dân cư cũng như phong tục, tập quán của người dân để hiểu về con người, từ đó có các giao tiếp, làm việc phù hợp với từng đối tượng. Sau nhiều năm lăn lộn trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, tôi cho rằng, không thể đứng trên cao hay ngồi trong phòng họp để chỉ đạo được mà phải xuống tận cơ sở mới hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những búc xúc của họ, để điều tiết.
Khi có phát sinh vấn đề dân sinh bức xúc phải xuống với dân ngay, không để phát triển thành vấn đề nóng. Với người dân, cán bộ phải “vỗ về”, giải quyết dựa trên cái lý, cái tình sao cho phù hợp, chứ không thể cứng nhắc. Thành hay bại tất cả từ công tác dân vận”, chị Vân đúc kết.
Chị Đặng Thúy Vân đại diện phường Việt Hưng nhận Bằng khen của thành phố Hà Nội |
Chính từ tư tưởng đó, chị Vân rất nghiêm khắc với cán bộ công chức trong văn hóa ứng xử với người dân. Đơn cử như sự việc một người dân chia sẻ lên mạng xã hội về thái độ ứng xử chưa chuẩn mực của một công chức phường. Ngay khi nhận được thông tin, chị đã họp cả cơ quan kiểm điểm, yêu cầu cán bộ đó phải giải trình, làm rõ.
“Tôi vẫn nói với cán bộ công chức phải hiểu rõ từ “phục vụ”. Đừng nghĩ là người dân đến xin mình cái gì mà phải biết rằng, mình đang sống bằng tiền lương trích từ tiền đóng thuế của người dân. Trách nhiệm của mình là giải quyết việc cho dân, chứ không phải là có cái gì đó mới làm”, chị Vân trải lòng.
Nếu coi địa bàn phường như một đất nước thu nhỏ thì Ủy ban Nhân dân phường như là một nhà nước có nhiệm vụ quản lí mọi mặt của phường. Vì vậy, chị Vân càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước dân, trước Đảng. “Tôi luôn nhận thức rằng, phường là đơn vị hành chính thấp nhất, gần dân nhất. Nếu ở cấp phường, dân không giải quyết được việc thì họ biết đi đâu, tìm ai”, chị Vân bộc bạch.
Những chia sẻ của chị Vân cho chúng ta thấy, làm cán bộ vốn đã chẳng dễ dàng, với phụ nữ thì việc ấy càng khó gấp bội bởi họ còn gánh vác vai trò của người vợ, người mẹ. Khi đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, có tình yêu, có tinh thần trách nhiệm với cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển của địa phương, đất nước thì họ hoàn toàn có thể “vượt rào” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trên các vị trí công tác.