Bài 2: Vì sao công tác cán bộ nữ chưa được như kỳ vọng?
Gỡ khó trong công tác cán bộ nữ TTTĐ - Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện ... |
Còn nhiều vấn đề trong công tác bình đẳng giới
Khi triển khai loạt bài viết về công tác phát triển cán bộ nữ, chúng tôi rất tâm đắc với nhân vật là Bí thư chi bộ của một thôn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Bác là người có hơn 30 năm tham gia làm công tác ở mọi vị trí từ cán bộ đoàn, cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình, cán bộ hội phụ nữ… Nhìn chiếc tủ đựng chật kín các bằng khen, thành tích đủ thấy bác đã dành tâm huyết rất lớn trong công tác phát triển địa phương.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã nỗ lực vượt qua định kiến giới, khẳng định giá trị bằng tri thức |
Khi chúng tôi về địa phương phỏng vấn, bác đã rất nhiệt tình chia sẻ về quá trình công tác, những sáng kiến cũng như những nhọc nhằn “khó tỏ cùng ai” của một nữ cán bộ. Thế nhưng, sau khi bài viết hoàn thành, bác hớt hải gọi điện nói đồng ý đăng tải câu chuyện làm cán bộ nhưng xin giấu tên nhân vật. Lí do chỉ vì “chồng không đồng ý”.
Bác chia sẻ rằng, trước khi quyết định nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ, bác đã mất ngủ cả tuần, đêm nào cũng khóc và phải thuyết phục rất nhiều lần mới được chồng đồng ý cho làm. Thế nhưng, trong quá trình công tác, bác thường xuyên đi sớm, về muộn khiến chồng không hài lòng, có hôm còn khóa cổng không vào được nhà. Vất vả, cản trở là thế nhưng bác vẫn một lòng miệt mài với công tác, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhất các công việc được giao. Nhờ thế, bác được lãnh đạo cấp trên và người dân vô cùng tin tưởng. Thế nhưng, bác ngậm ngùi chia sẻ rằng, bác chỉ dám làm hết nhiệm kỳ này nữa thôi.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, ngay tại Thủ đô, một số nơi, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều tồn tại. Đúng như lời của một cán bộ Hội Liên Hiệp Phụ nữ Hà Nội chia sẻ: “Muốn biết nơi nào, gia đình nào có bình đẳng giới thì chỉ cần nhìn xem người phụ nữ ở nơi đó có được làm công việc họ yêu thích, được hỗ trợ để hoàn thành tốt công việc ở cơ quan không là rõ”.
Thực tế cho thấy, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước nên vẫn chưa có bình đẳng thực sự trong thụ hưởng giáo dục; một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi do thiếu các điều kiện để tiếp cận các chính sách và thụ hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại. Vì vậy, rất cần có những chính sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó bảo đảm những điều kiện thuận lợi hơn để người phụ nữ gia tăng cơ hội tham gia các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, định kiến giới đối với phụ nữ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý vẫn còn khắt khe. Mặc dù định kiến giới theo quan niệm truyền thống đã giảm bớt, chuyển biến theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn, tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều nhóm xã hội về vai trò, vị thế chính trị của phụ nữ vẫn còn có định kiến và khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, công tác cán bộ nữ còn gặp nhiều khó khăn |
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Xã hội (Quốc hội khóa XV), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã thẳng thắn chỉ ra, công tác chỉ đạo, giám sát, đánh giá của cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị ở một số bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nói riêng chưa được kịp thời, sát sao. Các kế hoạch triển khai thực hiện còn chung chung chưa gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biệt thiếu các giải pháp cụ thể, đồng bộ khi triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu.
Bộ máy quản lý Nhà nước và nhân sự làm công tác bình đẳng giới vẫn thiếu tính ổn định. Số lượng công chức quản lý nhà nước chuyên trách về công tác bình đẳng giới ở các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở còn ít. Cán bộ làm công tác trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp huyện, xã có sự biến động nhiều và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả triển khai nhiệm vụ còn nhiều hạn chế và chưa thực chất.
Ngoài ra, thách thức lớn nhất đối với cán bộ nữ là vừa phải thực hiện thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình, vừa tham gia vào quá trình công tác, họ phải tốn sức lực, thời gian nhiều hơn nam giới.
Nhiều chính sách hỗ trợ chưa được triển khai
Không chỉ gặp rào cản về bình đẳng giới, thực tế còn rất nhiều nguyên nhân gây cản trở quá trình hoàn thành các mục tiêu về công tác phát triển cán bộ nữ.
Hiện nay, cán bộ nữ trình độ đại học cũng như nữ thủ khoa rất nhiều, như vậy là không thiếu nguồn cán bộ nữ trẻ. Tuy nhiên con đường phấn đấu của các nữ cán bộ trẻ thường không bằng phẳng, họ cũng phải lấy chồng, sinh con nhưng đến lúc có thể phát huy được thì lại nghỉ hưu.
Theo bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cán bộ nữ vẫn đang gặp rào cản về tuổi khi đề bạt vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Cụ thể, Luật Bình đẳng giới quy định, nam nữ bình đẳng về chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan tổ chức. Nhiều quy định cũng chỉ yêu cầu nữ cán bộ chỉ cần đủ tuổi làm một nhiệm kỳ công tác (5 năm) nhưng nhiều đơn vị hiện vẫn áp dụng điều kiện đối với nữ là phải đủ thời gian công tác 2 nhiệm kỳ, tức 10 năm.
Chính sách tuổi nghỉ hưu là vấn đề được quan tâm. Hiện văn bản của Bộ Chính trị cho kéo dài tuổi làm việc với thứ trưởng nữ bằng cán bộ công chức nam trong một số nhóm. Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019) đã sửa lộ trình tuổi nghỉ hưu để phụ nữ có thể kéo dài tuổi làm việc tới 60 tuổi và nam là 62 tuổi. Tuy nhiên, khoảng cách này cần tiếp tục được khắc phục để đảm bảo bình đẳng giới.
Bên cạnh bất cập về tuổi lao động, bà Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ còn chậm, chưa được triển khai vào cuộc sống. Điển hình như Luật Bình đẳng giới quy định nữ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách này vẫn chưa được triển khai.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm chia sẻ rằng, câu chuyện khó khăn lâu nay chính là lương của cán bộ, công chức phường |
Cùng với đó, một nguyên nhân nữa khiến nhiều nữ cán bộ trăn trở đó là chế độ lương, phụ cấp eo hẹp, không đủ trang trải cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm từng chia sẻ với chúng tôi rằng, câu chuyện khó khăn lâu nay chính là lương của cán bộ, công chức phường.
“Thời gian làm việc của cán bộ phường tôi không chỉ dừng lại ở 8 tiếng mà đôi khi còn phải làm thêm giờ bên ngoài. Một cán bộ cũng không chỉ làm một công việc mà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Như tôi, nhiều hôm cứ phải 8-9h tối mới về đến nhà. Trong khi đó, tôi làm việc đã hơn chục năm, đến nay hệ số lương là 3,3. Bản thân cán bộ quản lý còn có thêm thu nhập về trách nhiệm… nhưng thực sự không đáng bao nhiêu. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình sẽ không đủ tiền để sinh hoạt và nuôi con”, chị Hồng Phương tâm sự.
Chưa quan tâm quy hoạch dài hạn để bồi dưỡng
Một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp, bộ, ngành, địa phương chưa đạt là do công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nữ còn chậm và chưa đi vào nền nếp. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ thiếu đồng bộ, chưa gắn nhiều vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cấp.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, căn cứ vào Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ cán bộ nữ chưa đồng đều giữa các cấp, các lĩnh vực và chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ; ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa có quy hoạch dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ chủ chốt. Xã hội vẫn chưa nhận thức toàn diện về khả năng của phụ nữ cũng như sự cần thiết của việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội.
Việc bổ sung quy hoạch cán bộ Hội hàng năm trên cơ sở rà soát lại quy hoạch của các cấp Hội phụ nữ còn chưa kịp thời. Cán bộ trong diện quy hoạch chủ yếu là nguồn tại chỗ hoặc nguồn từ cán bộ Hội phụ nữ quận, huyện. Việc xây dựng nguồn từ cán bộ nữ các ngành, đoàn thể thành phố còn rất khó khăn, khó thực hiện.
Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cũng đã chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Ðịnh kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời.
Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Ðảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ. Chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ, còn có biểu hiện "khoán trắng" công tác phụ nữ cho hội phụ nữ.
Bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - khẳng định, một số mục tiêu mà Đảng mong muốn về công tác cán bộ nữ hiện vẫn chưa thực hiện được. Nếu chỉ nêu chủ trương, mong muốn mà không có giải pháp hợp lý thì rất khó để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác cán bộ nữ.
(Còn nữa)