Nữ trí thức trẻ với mô hình phát triển du lịch trên Bản Mạ
Chị Huyền chia sẻ: “Là một đội viên của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, tôi vô cùng vinh dự, tự hào khi được đóng góp sức trẻ thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các địa phương khó khăn”.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Thị Huyền đi làm ở một số nơi nhưng công việc không ổn định. Năm 2012, khi tỉnh Thanh Hóa có tổ chức xét tuyển vào Dự án tri thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã các huyện nghèo, cô gái trẻ đã đăng kí tham gia. Bảo vệ thành công đề án “Phát triển du lịch cộng đồng”, trải qua thời gian 3 tháng tiếp thu, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước và các kỹ năng lãnh đạo UBND cấp xã, chị Huyền được bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch xã Xuân Cẩm và phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Chị Nguyễn Thị Huyền
Xuân Cẩm là xã thuộc diện khó khăn của huyện Thường Xuân, có gần 4000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, chủ yếu là người Thái. Xã có 6 thôn thì 3 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngoài thôn trung tâm thì 5 thôn còn lại chưa có đường giao thông đảm bảo, điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt trong những ngày mưa, đường rất trơn và lầy lội. Tập quán canh tác của bà con ở đây còn lạc hậu, chưa tận dựng triệt để tài nguyên đất đai trong sản xuất. Nhận thức của người dân còn hạn chế về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra…
Những tồn tại, khó khăn ấy đặt ra thách thức lớn với nữ Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa- xã hội này. Chị Huyền luôn trăn trở làm thế nào giúp người dân thay đổi suy nghĩ, hành động, đời sống văn hóa của địa phương chuyển biến tích cực.
Chị Huyền cho biết: “Sau khi nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên tôi làm là tiếp cận với các đầu việc và thăm hỏi bà con thôn bản. Trên cương vị là Phó Chủ tịch xã, tôi tham gia và làm Trưởng một số ban ở xã như: Ban Đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, Xuất khẩu lao động, Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, Chỉ đạo xã hội hóa giáo dục…, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành”.
Nữ Phó Chủ tịch xã trẻ đã đề xuất nhiều ý tưởng và đươc cấp ủy, chính quyền ghi nhận và phê duyệt triển khai như: Vận động nhân dân đào hố xử lí rác tại nhà; phát động phong trào nhà trồng rau sạch cải thiện đời sống, tổ chức tiếng kẻng báo học…
Với con mắt của một người học về du lịch, chị Huyền nhận thấy nếu phát triển được du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Xuân, Xuân Cẩm, thì người dân địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều mặt. Đó là hình thành được tuyến du lịch lòng hồ Cửa Đạt, khôi phục và mở rộng được làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người dân sẽ cải thiện được cuộc sống vốn còn nghèo khó.
Ngay sau khi về địa phương, chị Huyền đã đề xuất phát triển du lịch nhưng một thời gian dài mới được đưa vào thực tiễn tại Bản Mạ, thôn Thanh Xuân và triển khai mô hình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái trên địa bàn giai đoạn 2016- 2022.
“Đề án phát triển du lịch đã được Đảng ủy xã đưa vào Nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo thực hiện. Chính quyền địa phương tranh thủ lồng ghép với các chương trình dự án của tỉnh, huyện như chương trình 135, hoàn thiện các tuyến đường nội thôn, dự án cầu treo của tỉnh, chương trình cải tạo vườn tạp giúp các hộ dân có thêm sản phẩm sạch phục vụ du khách, đào tạo nghề…”, chị Huyền cho biết.
Đến nay, Xuân Cẩm đã có Ban chỉ đạo phát triển du lịch, Ban quản lý du lịch tại thôn, có đội văn nghệ truyền thống nòng cốt thưc hiện đón du khách. Chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan, học tập các mô hình phát triển du lịch tại các tỉnh, địa phương. Hiện nay, xã đã có 5 hộ gia đình tham gia làm du lịch, thường xuyên đón khách lưu trú và sử dụng dịch vụ du lịch, bước đầu tạo thu nhập cho nhân dân, ngoài việc phát triển sản xuất truyền thống.
Người dân đã có ý thức hơn về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, kỹ năng giao tiếp với du khách được nâng cao. Nhân dân tự ý thức di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, cải thiện các công trình vệ sinh hộ gia đình, trang trí làm đẹp khuôn viên lưu trú, tích cực sản xuất các sản phẩm an toàn, phục vụ du khách như: rau an toàn, thực phẩm sạch, tham gia các lớp tâp huấn về kỹ năng phát triển du lịch, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thế là, chị Huyền đã có 5 năm găn bó với người dân Xuân Cẩm, trải qua những kỉ niệm vui buồn, thử thách trong hành trình đưa sức trẻ, trí tuệ và bầu nhiệt huyết về với xã nghèo. “Thời gian ấy, tôi gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại, bế tắc nhưng với trách nhiệm, sự kì vọng của nhân dân và khát khao cống hiến, tôi không cho phép bản thân lơ là với công việc, mà phải luôn nỗ lực hết mình. Kết quả ngày hôm nay chưa đủ để hài lòng nhưng đánh dấu sự cố gắng của bản thân, tôi muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân dân”, nữ Phó Chủ tịch xã bộc bạch.
Dù nay Dự án đã về đích nhưng tinh thần nhiệt huyết và khát khao cống hiến vẫn “bùng cháy” trong cô gái trẻ. Với Nguyễn Thị Huyền, đây là hành trình đẹp đẽ, đáng trân quý nhất chị đã đi qua trong những năm tháng tuổi trẻ.