Oxfam kêu gọi APEC thúc đẩy mô hình Tăng trưởng Bao trùm mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau
Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Theo Báo cáo, mặc dù Châu Á nói riêng và các thành viên của APEC nói chung đã đạt được tăng trưởng đáng kể về kinh tế, khoảng cách giàu nghèo vẫn ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo nhấn mạnh quan điểm rằng các nhà lãnh đạo có thể tận dụng APEC 2017 để xác định lại mô hình kinh tế mà ở đó phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội và được hưởng các lợi ích một cách bình đẳng với nam giới; người dân được đảm bảo về mức lương thỏa đáng, các dịch vụ công cơ bản và tiếp cận với nguồn lực sản xuất.
Báo cáo cho thấy các nhà lãnh đạo APEC cần hỗ trợ các nền kinh tế thành viên huy động nguồn thu từ thuế để cung cấp tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thay vì cạnh tranh thuế một cách lãng phí, không công bằng và đưa ra các thực hành làm thất thoát nguồn thu ngân sách quý giá đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC cần ngăn chặn các hành vi trốn và tránh thuế doanh nghiệp; tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực quản lý thuế, nâng cao hiệu suất thuế, thúc đẩy các chính sách thuế lũy tiến, và xây dựng các hệ thống thu thuế hiệu quả và minh bạch hơn.
Những phương thức này có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế để đầu tư vào các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục và an sinh xã hội; góp phần kiến tạo một xã hội và cộng đồng công bằng và tốt hơn.
Các nhà lãnh đạo APEC có thể thúc đẩy phát triển bao trùm bằng cách đảm bảo rằng người lao động nhận được một mức thu nhập thỏa đáng và công bằng. Người lao động được trả mức lương tối thiểu đủ để họ và gia đình có được một cuộc sống tươm tất, và quyền của họ được tôn trọng và bảo vệ. Để làm được việc này, các nhà lãnh đạo APEC sẽ phải giải quyết một loạt rào cản, bao gồm: các quy định về lao động hiện hành chưa được thực hiện hiệu quả, những thiếu hụt về chính sách trong giải quyết các vấn đề lao động quan trọng; áp lực của các doanh nghiệp phải tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm chi phí lao động; và khả năng thương lượng hạn chế của người lao động.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo rất quan trọng đối với tăng trưởng bao trùm. Lãnh đạo APEC cần đầu tư vào cung cấp các dịch vụ tài chính và vốn, nâng cao năng lực về phát triển và quản lý doanh nghiệp cho các doanh nghiệp này. Đồng thời, tăng đầu tư công vào các dịch vụ giúp phụ nữ giảm gánh nặng công việc nhà để họ có thêm quỹ thời gian dành cho việc xây dựng và vận hành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Việt Nam, quốc gia chủ trì cuộc họp năm nay, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, coi đây là các chiến lược nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm, đồng thời nêu bật những mối liên kết chặt chẽ giữa ba trụ cột này và kêu gọi APEC cần xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nhấn mạnh “tăng trưởng bao trùm cần đem lại những thay đổi thực sự cho mọi người, và không coi người dân chỉ là những đối tượng thụ động. Các nhà lãnh đạo APEC cần thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của người dân trong cả ba trụ cột về tăng trưởng bao trùm - bao gồm kinh tế, xã hội và tài chính.
APEC có thể thực hiện được việc này bằng cách ghi nhận ý kiến của người dân trong hoạch định chính sách, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ; đảm bảo người lao động được đại diện trong các cấu trúc doanh nghiệp; và phát triển các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, người lao động, nông dân và ngư dân. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của chính phủ Việt Nam về giải quyết bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Chúng tôi hi vọng cuộc họp lần này tại Việt Nam là một cơ hội để các nhà lãnh đạo APEC dẫn dắt lộ trình hướng tới một mục tiêu quốc gia mới và ý nghĩa hơn - một nền kinh tế mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau”.