Phân loại rác – Bắt đầu từ những hành động nhỏ
Giáo dục học sinh bằng những hoạt động dễ nhớ
Hiện nay, nhiều trường học tại thành phố Hà Nội đã lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại, tái chế rác thải vào chương trình giáo dục trẻ em.
Tại trường mầm non Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều lớp kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm đã được triển khai và đạt hiệu quả tốt. Những hoạt động này đã tạo sân chơi bổ ích, lí thú cho trẻ đồng thời tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, giáo dục, rèn kĩ năng cho trẻ về phân loại rác thải, chung tay bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thường ngày.
Bên cạnh đó, không ít trường còn làm các góc tuyên truyền về thu gom, tái chế rác thải trong khuân viên trường. Bên cạnh đó, các cô giáo còn sáng tạo các video sinh động, dễ hiểu để hướng dẫn học sinh phân loại chất thải sinh hoạt. Đồng thời, bố trí thùng rác với màu sắc và kí hiệu khác nhau ở những vị trí hợp lí, để trẻ dễ dàng phân phân biệt, tạo ý thức thói quen, hành động bảo vệ môi trường.
Các em học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám tham gia cuộc thi sáng tạo sản phẩm do nhà trường phát động |
Cô Nguyễn Đào Thùy Dương, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà trường luôn chú trọng việc tuyên truyền và hướng dẫn học sinh phân loại rác, khuyến khích các em tham gia các cuộc thi sáng tạo sản phẩm bảo vệ môi trường”.
Dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám hào hứng tham gia các chương trình và cuộc thi sáng tạo từ vật liệu tái chế, đồng thời, các em đã dần hình thành thói quen, nghiêm túc thực hiện phân loại rác thải, tái chế cũng như nâng cao ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ khi còn nhỏ.
Để học sinh nhận thức và phân biệt rác thải, chương trình “Rác thải nhựa của chúng ta đi đâu?” (nằm trong dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”) giúp 80 học sinh từ 2 trường: Tiểu học Chương Dương và Tiểu học Phúc Tân tìm hiểu, học hỏi những kiến thức bổ ích về phân loại, tái chế rác thải.
Học sinh trường Tiểu học Chương Dương và Tiểu học Phúc Tân tại chương trình “Rác thải nhựa của chúng ta đi đâu?” |
Nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh là cách để tác động ngay từ gốc, từ đó lan tỏa trong gia đình và tạo nên sự thay đổi trong xã hội. Vì vậy, rất cần có thêm các hoạt động đa dạng để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các bé học sinh bậc mầm non, tiểu học.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Không chỉ ở trong các trường học, phong trào phân loại rác tải nay tại nhà cũng đã được Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ chung tay tuyên truyền. Ngay từ những ngày đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Xuân Đỉnh đã triển khai vận động chị em phụ nữ và người dân trên địa bàn tích cực tham gia mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Đỉnh cho biết, cách làm cụ thể là mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác thải hữu cơ thì các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón trồng rau tại nhà; rác tái chế như chai lọ nhựa, giấy, kim loại… được bỏ riêng để bán cho những người thu mua ve chai; rác thải vô cơ được tập kết lại rồi đưa đi xử lý.
Người dân phường Xuân Đỉnh phân loại rác thải |
Cách làm này đã dần trở thành thói quen của mỗi hộ gia đình và xem đây là trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Hội LHPN phường Xuân Đỉnh vận động, tuyên truyền và phân tích lợi ích của mô hình phân loại rác thải tại nguồn để mọi người hiểu và làm theo.
Hình thức tuyên truyền cũng phong phú như hướng dẫn tại nhà, lập các nhóm Zalo hướng dẫn,... Nhiều gia đình đã bắt đầu thay đổi, dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đến nay, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia, phong trào giảm chất thải nhựa tái sử dụng chất thải đã lan rộng khắp.
Dự án "Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” đã triển khai tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn cho người dân trên 3 nền tảng: mạng xã hội; truyền hình và các hoạt động offline. Dự án đã tổ chức cuộc thi online với tên gọi "7 ngày sống xanh", nhằm kêu gọi mọi người chia sẻ thông tin, các cách phân loại, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp. Cuộc thi đã thu hút được hơn 300 người tham gia chỉ trong vòng hơn 2 tuần với rất nhiều thông tin, hình ảnh được người dân chia sẻ.
Các mô hình mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, qua đó họ về hướng dẫn lại người thân trong gia đình. Đây cũng là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, sinh động nhất và phù hợp với thực tiễn cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân.