Phần mềm thi mô phỏng lái xe: Tình huống khác thực tế khiến người học hoang mang
Phát sinh nhiều bất cập
Phần mềm mô phỏng do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra có 120 tình huống giao thông, dự kiến sẽ được áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15/6.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, quá trình xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Bộ này đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng của DVSA (Anh), VicRoad (Australia), Nhật Bản, Singapore… để xây dựng 120 kịch bản tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế (các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) để người đọc nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý bảo đảm lái xe an toàn.
Mục đích của phần mềm mô phỏng là để người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thường gặp và những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đang phát triển khi tham gia giao thông ở các điều kiện, môi trường giao thông trên đường bộ khác nhau.
Từ đó người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông, cụ thể như: Giai đoạn bắt đầu tình huống, các dấu hiệu chuẩn bị xuất hiện tình huống, diễn biến của tình huống, kết thúc tình huống.
Phần mềm mô phỏng do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra có 120 tình huống giao thông, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 15/6. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng tại một số cơ sở sát hạch lái xe trong thời gian qua, phần mềm mô phỏng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về những bất cập, hạn chế. Đầu tiên là sự thiếu thực tế.
Không ít kiến cho rằng, với phần mềm mô phỏng, nhiều tình huống đưa ra trong phần mềm có điểm chuẩn vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế.
Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy, mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi thực hiện phần thi trên phần mềm mô phỏng cho cảm giác giống một game thử thách hơn là những tình huống thực tế được trải nghiệm trên đường. Lí do vẫn là do các tình huống thi đều khác quá xa thực tế trên đường.
Đơn cử tình huống 116, xe học viên đang đi trên đường gặp biển báo. Tại các thang điểm 5, 4, 3 không có dấu hiệu nào để người lái xe nhận diện được tình huống nguy hiểm để bấm. Đến khi hòn đá từ trên núi rơi xuống và người lái nhìn thấy bấm thì chỉ được 2 hoặc 1 điểm, thậm chí bị điểm liệt.
Bất cập này bắt buộc người học phải học "mẹo" bằng cách học thuộc lòng - khi đầu xe đi qua bụi cây đầu tiên từ khi xuất hiện biển báo sẽ bấm để lấy đủ 5 điểm (dù chưa thấy hòn đá rơi).
Riêng tình huống 110 còn thách đố hơn khi trong thang điểm chuẩn và các thang điểm 4, 3, 2, 1, người lái xe không hề thấy một dấu hiệu nào báo tình huống nguy hiểm để bấm nút. Để đạt điểm cao trong tình huống này, người học không còn cách nào khác phải nhớ khi đầu xe đến biển báo giao nhau với đường không ưu tiên sẽ bấm (trước khi tình huống xảy ra).
Sẽ rà soát bất cập trong thi mô phỏng lái xe
Trước những phản ánh về bất cập trong thi mô phỏng lái xe, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ cho biết đã tiếp nhận những thông tin phản ánh từ người dân về phần mềm thi mô phỏng lái xe.
"Đối với phản ánh tình huống chưa thực tế, điều chỉnh khung điểm... Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có rà soát, đánh giá lại tình huống. Căn cứ vào đó, đơn vị có những điều chỉnh, nâng cấp để phần mềm hoàn thiện hơn phục vụ cho quá trình dạy và học lái xe đạt chất lượng cao nhất", ông Thống nói.
Ông Thống cho biết phần mềm thi mô phỏng lái xe có 120 tình huống giao thông áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15/6. Trước khi áp dụng, Cục Đường bộ đã cùng các đơn vị, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chuyên gia giao thông... nghiên cứu khá kỹ lưỡng.
Đối với phản ánh tình huống chưa thực tế, điều chỉnh khung điểm... Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có rà soát, đánh giá lại tình huống |
Hầu hết tình huống được mô phỏng lại từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước. Thời gian qua, Cục Đường bộ vẫn luôn theo dõi, đánh giá kết quả đạt được để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện.
Về ý kiến người dân cho rằng nên bỏ phần thi này, ông Thống cho hay việc thi mô phỏng lái xe nhằm giúp người lái nhận biết được tình huống nguy hiểm khi lái xe trên đường. Ở các nước trên thế giới, họ áp dụng phần thi này từ rất lâu đem lại những hiệu quả nhất định giúp người lái tăng khả năng nhận diện nguy hiểm, nâng cao kỹ năng người lái.
Từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các sở Giao thông Vận tải trên phạm vi toàn quốc; Đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023 diễn ra vào đầu tháng 4/2023 vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lâm Văn Hoàng cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy, một số nơi có hiện tượng buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
“Một số Sở Giao thông Vận tải chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; Chưa kiểm tra, giám sát công tác đào tạo hoặc có kiểm tra, giám sát nhưng còn mang tính hình thức, không đúng thực tế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực của cơ sở đào tạo" – ông Lâm Văn Hoàng nói.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá đề xuất, kiến nghị của các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, sát hạch, chuyên gia và dư luận xã hội để từ đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn, nâng cao chất lượng, tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.