Phát động chiến dịch tiêm vắc xin sởi trên toàn quốc
Công tác tiêm chủng tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức
Hội nghị kết nối tới điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố với sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh, TP, Sở Y tế và các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vắc xin, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu ước tính phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam.
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Chương trình Tiêm chủng mở rộng là Chương trình nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Đảng, Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng thể hiện sự ưu tiên trong công tác tiêm chủng như: Nghị quyết số 20-NQ-TƯ của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030, Nghị định số 13/2024/NĐ-CP quy định rõ về đảm bảo ngân sách trung ương và địa phương cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, phải kể đến trước tiên là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng;
Tiếp đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát...
Đặc biệt theo Bộ trưởng, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học.
Các em có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) |
Tại hội nghị, bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá, gián đoạn tiêm chủng do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam.
“Trên thực tế, dịch sởi đang có xu hướng bùng phát trở lại trong những tháng gần đây. Dịch sởi lan rộng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khắp các vùng trên toàn quốc. Đây là dấu hiệu cấp bách cho thấy cần phải tăng cường và nỗ lực hơn trong công tác tiêm chủng tại Việt Nam”, bà Silvia Danailov nhấn mạnh.
Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi ở vùng có nguy cơ
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh", tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình.
"Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
Hội nghị kết nối tới các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố |
Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Đối với Chiến dịch tiêm vắc xin sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP quan tâm chỉ đạo Sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động.
Các đơn vị tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo; vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vắc xin đảm bảo đúng quy định.
Hiện nay, khoảng 18 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1-10 tuổi nằm trong vùng có nguy cơ, chưa tiêm đủ mũi vắc xin. Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ tiêm bổ sung cho đối tượng nhân viên y tế có nguy cơ mắc sởi.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF hỗ trợ hơn 1 triệu liều vắc xin sởi - rubella để ứng phó dịch bệnh.
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.