Phát động chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô” năm 2021
Đảm bảo an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên Phát động chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2020" |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo tại chương trình |
Đây là năm thứ 10, UBND TP Hà Nội giao báo Kinh tế & Đô thị chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) TP, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô"; Là năm thứ 5 liên tiếp triển khai cuộc thi trên internet theo hình thức trắc nghiệm.
Đánh giá về chương trình, Trưởng Ban tổ chức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, trong 9 năm qua, chương trình truyền thông "Vì ATGT Thủ đô" luôn được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, đặc biệt là các em học sinh, từ tiểu học cho đến trung học với số lượng hàng trăm nghìn bài dự thi.
Từ chương trình này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT trong học sinh, sinh viên và của mọi người dân, đẩy mạnh việc thực hiện văn hóa giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh, sinh viên và các đối tượng khác khi tham gia giao thông cũng từng bước được nâng cao góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị trao giải Nhất cho các thí sinh |
Cuộc thi “Vì ATGT Thủ đô” năm 2020 trên internet được phát động sáng 19/10/2020, tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Qua 3 vòng thi tự do, có hơn 120.000 lượt thí sinh tham gia vượt qua ít nhất một vòng thi. Ban tổ chức đã chọn ra 29 thí sinh (một thí sinh đạt giải 2 vòng) có kết quả cao nhất (mỗi vòng 10 thí sinh) tham dự vòng thi chung kết.
Sau vòng thi chung kết, Ban Tổ chức đã chọn ra các thí sinh xuất sắc để trao giải, gồm 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 8 giải Ba và 13 giải Khuyến khích.
Về giải phong trào: Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức lựa chọn được 10 đơn vị có thành tích xuất sắc trong các trường khối THCS, THPT có số lượng học sinh tham gia thi nhiều nhất hoặc đơn vị có nhiều học sinh đạt nhiều giải cao ở vòng loại nhất để trao giải tập thể.
Cuộc thi trắc nghiệm “Vì ATGT Thủ đô” trên internet qua 4 lần tổ chức đã thu hút đa dạng các đối tượng là học sinh, với hàng trăm ngàn lượt học sinh THCS, THPT, trung tâm GDTX ở cả nội thành và ngoại thành Hà Nội tham gia.
Nội dung câu hỏi bám sát vào các tình huống giao thông thường gặp trong đời sống, trở thành những hướng dẫn, những bài học bổ ích, giúp các em nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có các kỹ năng phòng tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh.
Các thí sinh tham gia vòng thi chung kết sáng 2/4 |
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô". Chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức chấp hành giao thông của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2021, thành phố đặt mục tiêu kiềm chế, giảm 5 - 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt so với năm 2020 trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương; Phấn đấu không để xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời không để phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới.
Để làm được điều đó, các ban ngành của thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật an toàn giao thông đến các cơ quan, tổ chức, trường học bằng nhiều hình thức. Công tác bảo đảm an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được thành phố chỉ đạo quyết liệt, trong đó an toàn giao thông học đường luôn được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Các đại biểu ấn nút phát động chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô” năm 2021 |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, Ban Tổ chức chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô" phải tiến hành triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng; Chú trọng nhân rộng gương điển hình nhằm xây dựng nếp sống văn hóa của người dân khi tham gia giao thông, hướng tới xây dựng môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện.