Phát động cuộc thi “Thử thách Công dân số 2021”
Trẻ em - những công dân số truyền cảm hứng, tạo sự thay đổi tương lai Chuyển Bộ Tư pháp xử lý đề nghị của công dân sớm công bố kết quả thanh tra Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 và Cầu Đò |
Tới dự chương trình có bà Diana Torres, Quyền Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Các đồng chí: Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội.
Đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Với sự nhiệt huyết, cam kết và những ý tưởng đột phá, người trẻ là động lực chính của sự thay đổi, tạo ra các giải pháp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SGDs).
Tuy nhiên, sự tham gia của thanh niên tại Việt Nam vào công tác quản trị nhà nước còn thấp. Vì thế, cần có thêm những sự hỗ trợ giúp thanh niên nâng cao năng lực cũng như có không gian để tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan đến quản trị nhà nước. Đây chính là động lực để Thành đoàn Hà Nội phối hợp với UNDP tổ chức cuộc thi này.
Đồng chí Trần Quang Hưng cũng mong muốn, đoàn viên, thanh niên sẽ tích cực tham gia cuộc thi để có nhiều giải pháp, sáng kiến, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Theo Ban tổ chức, dù có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tương đối tốt, bao gồm phạm vi phủ sóng internet rộng khắp đem lại nhiều cơ hội nhưng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi số. Theo báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của UNDP năm 2019, mức độ chấp nhận của người dân đối với các dịch vụ trực tuyến quan trọng trên các cổng thông tin điện tử của các tỉnh chỉ đạt dưới 4%.
Tại thủ đô Hà Nội, điểm PAPI cho tiêu chí thủ tục hành chính công đạt 7,17/10, cung ứng dịch vụ công đạt 6,87/10, trong khi quản trị điện tử chỉ đạt 2,92/10.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”, tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ điện tử, kinh tế điện tử và xã hội điện tử. Chương trình này bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng, đưa 80% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi |
Theo Bộ Nội vụ, Việt Nam có 23,3 triệu thanh niên (năm 2018), chiếm gần 25% dân số. Với mục tiêu huy động tiềm năng sáng tạo của thanh niên Việt Nam và sức mạnh của công nghệ, cuộc thi “Thử thách Công dân số 2021 - Youth Digital Citizen Challenge 2021” khuyến khích thanh niên: “Phát triển bộ giải pháp gồm sản phẩm hoặc dịch vụ có ứng dụng công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Hà Nội”.
Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và sự tham gia vào công tác quản trị công của thanh niên, thông qua việc nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác đa phương và áp dụng các sáng kiến của thanh niên trong việc xây dựng một chính phủ điện tử hiệu quả. Cuộc thi cũng tạo ra đối thoại đa phương giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Các sáng kiến trong cuộc thi nếu đạt chất lượng sẽ được triển khai thí điểm tại Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
“Thử thách Công dân Số 2021” được chia làm bốn giai đoạn chính:
Các vị khách mời tham gia tọa đàm "Thực trạng triển khai hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công tại Hà Nội" |
Giai đoạn mở đơn đăng ký và vòng sơ khảo sẽ diễn ra trực tuyến từ 15/7 đến 10/8/2021. Các lĩnh vực thuộc đề bài cuộc thi mà các đội có thể thử sức bao gồm: Dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tài nguyên và môi trường.
Top 10 đội có ý tưởng xuất sắc nhất để tham gia đào tạo trong 2 ngày 18 và 19/8 với những chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ UNDP, Thành đoàn Hà Nội, các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để phát triển ý tưởng của đội mình một cách sâu sắc hơn.
Trải qua chương trình huấn luyện cùng chuyên gia, các đội thi sẽ đến với vòng thi chung kết (hackathon) vô cùng sôi động diễn ra trong 48 giờ, từ ngày 20 đến ngày 22/8. Vòng thi chung kết sẽ tạo ra một sân chơi năng động, sáng tạo nơi thanh niên Việt Nam cùng nhau hoàn thiện những giải pháp công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ công tại Hà Nội.
Ba đội thi xuất sắc nhất do Ban giám khảo lựa chọn từ vòng chung kết sẽ được tham gia chương trình ươm tạo 3 tháng để tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa ý tưởng của đội mình. Kết thúc thời gian ươm tạo, ba đội thi sẽ có cơ hội trực tiếp gặp gỡ và pitching với các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.
Ba đội thắng cuộc sẽ nhận được những phần thưởng có tổng giá trị tiền mặt lên tới 70 triệu đồng, gói không gian làm việc chung tại The HUB Global cùng với rất nhiều phần quà có giá trị khác đến từ các đối tác và nhà tài trợ.
Thử thách Công dân số 2021 chào đón thí sinh là sinh viên, lập trình viên, nhà thiết kế, nhà khởi nghiệp… từ 18 - 30 tuổi tại Việt Nam, không giới hạn vị trí địa lý, dân tộc, có ý tưởng và khả năng trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, khởi nghiệp, hoặc các lĩnh vực thuộc đề bài của cuộc thi (dịch vụ hành chính công, giáo dục, tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tài nguyên và môi trường). Đây là cơ hội để các thí sinh học hỏi, thể hiện sức sáng tạo và tạo ra những ý tưởng đột phá, đóng góp vào hành trình chuyển đổi số của quốc gia. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://4sv.vn/ydcc Trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm "Thực trạng triển khai hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công tại Hà Nội" được tổ chức. Tại đây, các chuyên gia, khách mời đến từ các sở ban ngành của Hà Nội đã chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho đoàn viên, thanh niên các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và cuộc thi "Thử thách Công dân số". |