Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng Nông thôn mới
Động lực để thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới
Thực tiễn xây dựng Nông thôn mới của thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã khẳng định, sản xuất nông nghiệp theo hình thức cá thể của người nông dân, bên cạnh những hiệu quả cơ bản ban đầu, đã dần bộc lộ những nhược điểm trước nền kinh tế thị trường hiện nay. Bởi hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh còn thấp.
Ngược lại, kinh tế tập thể nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân; Đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là một chương trình lớn, được triển khai nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Nông thôn mới, việc nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, coi trọng, đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, thời gian qua, có thể thấy việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác trong nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.
Đáng nói, các hợp tác xã đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường.
Trong những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới |
Trong số đó, có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương
Tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững
Từ những phân tích trên cho thấy, trong những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới, theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội |
Cùng với đó, thành phố sẽ có cơ chế chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ Hợp tác xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ phụ trách kinh tế tập thể, thành viên các hợp tác xã, cán bộ chủ chốt hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu công việc; Đồng thời tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã về quản lý, liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ.
Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để tạo điều kiện cho các hợp tác xã được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp hợp tác xã thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động.