Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng hợp tác xã
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác trong nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.
Ước đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn thành phố có tổng số trên 2.200 hợp tác xã và Quỹ tín dụng Nhân dân, tăng 143% số hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2008 với 602.000 thành viên.
Từ năm 2003, đặc biệt từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý. Thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Cùng với đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã và tay nghề của người lao động được cải thiện, dần đáp ứng được các yêu cầu phát triển của hợp tác xã.
Các hợp tác xã đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường.
Hiện Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%) |
Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Nhấn mạnh về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với sự phát triển chung của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của thành phố, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Trong đó, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục tăng lên, hiện Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Về mục tiêu thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với “chuỗi” giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã mỗi năm, nâng tổng số hợp tác xã đến năm 2025 khoảng 2.500 hợp tác xã, đến năm 2030 là gần 3.000 hợp tác xã, trong đó phấn đấu ít nhất 80% hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá, doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng/hợp tác xã; Thu nhập bình quân của người lao động 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao việc Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó, thành phố bố trí đủ nguồn lực ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được thành phố tăng cường, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Thủ đô |
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đề nghị thành phố một loạt giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, thành phố cần giải thể, sáp nhập các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; Đồng thời tái cơ cấu các liên minh hợp tác xã theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó, mỗi hợp tác xã cần tập trung chuyên canh một sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ứng dụng khoa công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất.
Cùng với đó, thành phố cần chú trọng công tác đào tạo về nội dung kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình hợp tác xã thành công; Phát triển hợp tác xã theo hướng sản xuất các sản phẩm chủ lực để tiếp tục đóng góp vào GRDP của thành phố.
Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh về thị trường tiêu thụ hàng hóa cùng với sự phát triển của 1.350 làng nghề. Vì thế, thành phố cũng như các đơn vị liên quan cần tập trung ưu tiên, rà soát tháo gỡ những khó khăn, bất cập để phát triển hiệu quả thực chất hơn nữa; Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của các hợp tác xã gắn với chuyển đổi số và liên kết hợp tác để phát huy hiệu quả hoạt động.