Phát triển hài hòa, bền vững với “thành phố trong Thủ đô”
Hướng tới sự năng động, mở rộng đầu tư
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng lưu ý, tại Đồ án này, Hà Nội nghiên cứu, xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; nơi đáng sống (người dân hạnh phúc, cộng đồng vững mạnh, môi trường sống an toàn, lành mạnh); thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; kết nối toàn cầu; đô thị 15 phút.
Định hướng phát triển không gian TP phía Bắc |
Cụ thể, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng TP phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn) thành đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kết nối quốc tế, tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo.
TP này được hỗ trợ bởi các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để phát triển các mô hình đô thị xanh; được đầu tư đồng bộ, hiện đại để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của cả nước đến xây dựng trụ sở, phát triẻn sản xuất kinh doanh.
Không gian đô thị nơi đây sẽ phát triển theo mô hình TOD, đô thị 15 phút, khai thác trọng tâm sân bay quốc tế Nội Bài, trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài, gắn với bảo vệ và phát huy hệ thống mặt nước sông Hồng, sông Thiếp, sông Cà Lồ, các di sản khu di tích Cổ Loa, di tích hiện có trên địa bàn.
TP phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) định hướng là đô thị đại học, trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia với Khu công nghệ cao Hoà Lạc là hạt nhân. TP phía Tây được xây dựng đô thị sinh thái với các dịch vụ, tiện ích công cộng hiện đại, chất lượng cao với khu vực Sơn Tây là hạt nhân, tạo môi trường hấp dẫn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, có chính sách hỗ trợ đặc thù thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến sinh sống làm việc…
Mô hình này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, logicstics,thương mại quốc tế, tài chính... để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, trong tương lai, Hà Nội dự kiến xây dựng TP khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa) sau khi hình thành Cảng hàng không thứ 2. Theo đồ án, việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).
Trong TP thuộc Thủ đô bao gồm cả khu đô thị và nông thôn được quản lý, phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của đô thị Hà Nội. Trước mắt, thành lập TP phía Bắc và phía Tây; trong tương lai sẽ nghiên cứu hình thành thêm TP Sơn Tây và TP phía Nam...
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận lần đầu đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều đề xuất về chính sách cho Thủ đô Hà Nội. Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, hai TP trực thuộc Thủ đô sẽ có đặc thù vượt trội, tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Mô hình này cũng là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.
Như vậy, Thủ đô sẽ có hai nhóm thể chế: Các quận dành cho khu vực đô thị trung tâm (chỉ bao gồm không gian đô thị) và các TP thuộc Thủ đô bao gồm khu vực có cả không gian đô thị (các phường) và có cả không gian nông thôn (các xã). Công tác quản lý thực hiện theo quy chuẩn, cơ chế riêng đối với khu vực đô thị và nông thôn của đô thị đặc biệt.
Một góc Hà Nội hôm nay |
Giải pháp bền vững, hài hòa
Đóng góp ý kiến cho quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển mô hình "TP trong Thủ đô" cần phải tính đến những giá trị mà nó mang lại, đặt mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển cho phù hợp với yêu cầu nhằm tạo ra những giá trị mới. Những giá trị đó phải hướng đến người dân, như vậy mới không biến việc phát triển mô hình "TP trong Thủ đô" thành một phong trào gây tốn kém về nguồn lực.
PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc Hà Nội hình thành các "TP trong Thủ đô" mở ra định hướng mới, khi đó nguồn lực đầu tư sẽ được đặt vào đúng trọng điểm, đúng thời điểm. Tuy nhiên, việc hình thành TP trong TP cần phải xác định đó là những đô thị được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh để người dân an tâm sinh sống, làm việc. Đặc biệt có khoảng cách, khoảng xanh để phân cách với TP trung tâm.
Còn theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mô hình đại đô thị (mega city), với quy mô dân số hàng triệu người nhưng chỉ có một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu, bởi quá tải về dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, chênh lệch giàu nghèo…
So với việc hình thành siêu đô thị cực lớn, thì việc phát triển cụm các đô thị lớn nhỏ đa trung tâm của TP lớn, nằm trong hệ thống mạng lưới các đô thị trong vùng đô thị, được xem là giải pháp bền vững và phát triển hài hòa hơn.
Việc phát triển mô hình "TP trong Thủ đô" là làm thay đổi cấu trúc TP "mẹ" để khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là TP "con" nhưng sẽ là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn TP và phụ cận.
Trong nhiều lần phát biểu về nội dung này, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Muốn phát triển vững mạnh, Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Đặc biệt, trong bản quy hoạch lần này có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.
TP đã triển khai quyết liệt công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho phát triển Thủ đô, cũng như tạo lập không gian phát triển mới, với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới”, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai Quy hoạch Thủ đô; trong đó, sẽ cụ thể hóa bằng những đề án, dự án, chuyên đề cụ thể gắn với việc cân đối, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực, nhằm đưa Quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống.