Phát triển hài hòa gắn kết giữa đô thị và nông thôn
Khai thác các tiềm năng thế mạnh của Thủ đô
Việc phát triển đô thị nông thôn hài hòa, hấp dẫn sẽ tạo nên đặc trưng đô thị Thủ đô, gắn với các yếu tố hiện đại, thông minh. Việc khai thác các tiềm năng thế mạnh về quỹ đất, sinh thái, văn hóa sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra việc kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn còn góp phần bổ trợ cho phát triển khu vực đô thị.
Trong bối cảnh này, vấn đề đặt ra đối với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là cân nhắc kỹ lưỡng các chỉ tiêu để không tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại nhiều huyện.
Theo đó, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và vị trí địa chiến lược của Thủ đô cho sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, không chỉ có ý nghĩ làm căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng đối với quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển Thủ đô, mà là kim chỉ nam để phát triển Hà Nội thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tạo ra sự lan tỏa trong phát triển vùng, liên vùng và cả nước.
Việc phát triển đô thị nông thôn hài hòa, hấp dẫn sẽ tạo nên đặc trưng đô thị Thủ đô |
Làm rõ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, theo các chuyên gia đô thị cần phát triển vùng đô thị lớn theo cấu trúc đa trung tâm theo mô hình đa cực; phát triển tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế phát triển lan tỏa tự phát “theo vết dầu loang” giữa đô thị và nông thôn.
Cùng với đó, phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình giao thông công cộng (TOD) xung quanh đô thị lịch sử để thu hút nhu cầu phát triển dân số, lao động; kết hợp hài hòa giữa cấu trúc không gian với cấu trúc giao thông, cấu trúc tự nhiên và mạng lưới trung tâm chức năng đô thị tạo mạng đô thị nông thôn đặc trưng; kiểm soát chặt việc phát triển mở rộng các điểm dân cư nông thôn nằm trong hành lang xanh. Thành phố cần hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng.
Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng. Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm thành phố Hà Nội tiếp tục giữ tại khu vực hồ Gươm.
Cùng với đó, phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo… để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng và quốc gia.
Đồng thời, thành phố phải dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc. Hệ thống đô thị được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị thông minh bền vững, với các khu vực đô thị nén tập trung theo mô hình TOD và các đô thị sinh thái tại khu vực ngoại thành; xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành trung tâm, biểu tượng của vùng đô thị Hà Nội trong tương lai.
Trong phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, cần phát triển hài hòa hệ thống đô thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển lan tỏa và liên kết vùng. Trong đó, phát triển hệ thống đô thị theo các mô hình đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm.
Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội, nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân...
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Trong phát triển đô thị, thành phố thực hiện bảo tồn phát huy các giá trị của các khu vực Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, phố cũ, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái và các khu vực quy hoạch kiến trúc có giá trị; Tái thiết đô thị các khu tập thể cũ, khu dân cư đô thị hóa tự phát, các khu vực làng xóm đô thị hóa. Kiểm soát hài hòa giữa xây dựng mới, xây dựng cải tạo và bảo tồn các khu vực có giá trị. ...
Quy hoạch Thủ đô cũng xác định định hướng phát triển đô thị nông thôn theo nguyên tắc bảo tồn không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên của khu vực; bảo tồn các di sản, làng nghề, làng truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên; thu hút phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, sinh thái, bảo đảm điều kiện môi trường.
Hà Nội giữ vai trò là nơi cung cấp giống, nhân công chất lượng cao và nơi tiêu thụ nông sản của cả vùng |
Đánh giá về các yêu cầu đối với quy hoạch Thủ đô, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, cần sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trong đó, hạ tầng kết nối về giao thông, logistics để phát huy hệ thống đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Hà Nội, kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển để tạo sự kết nối.
Về kết nối trong nông nghiệp, Hà Nội giữ vai trò là nơi cung cấp giống, nhân công chất lượng cao và nơi tiêu thụ nông sản của cả vùng. Trong khi khu vực đô thị đang chịu nhiều áp lực, khu vực nông thôn chính là nơi "làm mát", giảm tải. Do đó, cần phát triển hài hòa đô thị và nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn là yêu cầu đặt ra đối với công tác quy hoạch.
Tuy nhiên, thành phố cũng xác định nâng cao chất lượng đô thị hóa, nhưng không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp.