Phát triển kinh tế biển đảo từ nuôi… trùn quế
Sinh viên Kiến trúc Hà Nội giành giải Ba về ý tưởng bảo vệ biển đảo Nam A Bank chung tay bảo vệ biển đảo Việt Nam Nam A Bank trao cờ Tổ quốc chung tay bảo vệ biển đảo Việt Nam |
Xử lý rác thải
Nhóm 3 sinh viên gồm Nguyễn Thùy Linh, Phan Văn Khải, Hoàng Văn Nam, hiện đang theo học ngành Kỹ thuật môi trường, khoa Đô thị trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Theo Nguyễn Thùy Linh, thành viên dự án, nuôi giun đất để xử lý ô nhiễm môi trường đã được nhân dân ta áp dụng từ lâu. Kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương. Theo đó, rác thải thu gom từ các hộ gia đình, khu chợ được lựa chọn, phân loại riêng trước khi đem ủ. Khi rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun.
Bên cạnh đó, đề tài “Nuôi giun xử lý rác thải” của TS Huỳnh Thị Kim Hối (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) đã công bố, chỉ cần từ 1 đến 2 gram giun là có thể xử lý được không dưới 300 kilogam rác thải hữu cơ, với hiệu suất đạt 100%. Từ đó, nhóm đã hình thành ý tưởng nuôi trùn quế có danh pháp khoa học Perionyx excavatus là một đối tượng đã được thương mại hóa trên thị trường để gắn liền với hoạt động xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học.
Mặt khác, trong quá trình thực tập công nghệ xử lý nước rác, nhóm đã tiếp cận được với Ban lãnh đạo khu Liên hợp xử lý chất thải rắn (LHXLCTR) Nam Định. Nhóm đã đề xuất ý tưởng giảm thiểu thể tích phần chất thải rắn chôn lấp bằng cách tăng hệ số thu hồi tài nguyên thông qua mô hình nuôi trùn quế trên giá thể sẵn có là phân compost thành phẩm đang tồn đọng.
Các thành viên, cộng tác viên của dự án “Nuôi trùn quế bằng chất thải rắn sinh hoạt trên các đảo, huyện đảo” |
“Qua việc triển khai thành công ý tưởng bằng các mô hình thực tế tại khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Định chúng mình muốn đưa dự án đến các đảo, quần đảo trên lãnh thổ Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp vừa giải quyết được vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt vừa hỗ trợ sinh kế cho nhóm phụ nữ trên đảo, quần đảo cũng như cũng cấp nguồn thức ăn chăn nuôi cho các lồng bè”, Thùy Linh chia sẻ.
Nuôi giun quế bằng chất thải sinh hoạt trên các đảo, huyện đảo nhằm cải thiện kinh tế, cũng như tô đậm chủ quyền lãnh thổ cũng là yếu tố cốt lõi trong ý tưởng của nhóm bạn trẻ. Mặt khác, dự án góp phần thay đổi định kiến của xã hội về các dòng sản phẩm có liên quan đến chất thải thông qua việc công khai minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ.
Điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho các bên, đưa luật pháp chính sách bảo vệ môi trường gần với lợi ích thiết thực của người dân; Tránh lãng phí trong công tác sử dụng vốn ngân sách cũng như ODA cho loại hình dự án vệ sinh môi trường trên các đảo, huyện đảo.
Sớm đưa đến các đảo
Nhóm bạn trẻ cũng đã tìm hiểu về tình hình chăn nuôi thủy sản lồng bè tại các đảo, xã đảo, huyện đảo của Việt Nam nhận thấy, các loại cá biển được nuôi chủ yếu hiện nay gồm: Cá song, cá giò, cá cam, tráp đỏ, cá chim vây vàng…
Trong đó cá song, cá giò, cá vược là những đối tượng được nuôi phố biến nhất. Riêng khu vực Quần đảo Trường Sa chủ yếu nuôi được cá chim trắng, cá hồng và cá vược mõn nhọn.
Mô hình trạm xử lý rác thải kết hợp với nuôi trùn quế tại các đảo |
“Số lượng lồng, bè nuôi cá biển tăng mạnh qua các năm. Trong khi đó nguồn thức ăn chủ yếu phải nhập khẩu. Như vậy việc nuôi giun quế bằng chất thải hữu cơ sinh hoạt tại các huyện đảo nhằm cung cấp thức ăn chăn nuôi thủy sản là phương án rất khả thi”, Phan Văn Khải, thành viên dự án cho biết.
Nhóm bạn trẻ đặt mục tiêu, mỗi năm có thể thu được 15 tấn giun quế, 5 tấn phân giun quế. Doanh thu 650 triệu đồng/năm; Lợi nhuận 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 5 - 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Nhóm bạn trẻ cho biết thêm, bên cạnh giá trị dự án đem lại cho khách hàng phải kể đến lợi ích kinh tế với khoảng 30% tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra còn lợi ích cải tạo sức sản xuất cho đất, một loại tài nguyên đặc biệt không thể thay thế trong nền sản nuôi trồng thủy hải sản tại các đảo, huyện đảo…
Ngoài ra khách hàng khi tiêu thụ sản phẩm của dự án còn đặc biệt góp phần kéo dài tuổi thọ khu xử lý rác trên các đảo, huyện đảo; Giúp chính quyền địa phương giảm thiểu xung đột trong công tác quản lý môi trường, mang lại lợi ích theo hướng bền vững.
Sau khi mang dự án đến cuộc thi “Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo Tổ quốc, nhóm nhận được rất nhiều sự quan tâm góp ý. Đây là một dự án mang tính cộng đồng và nhân văn với sự hỗ trợ từ Trung tâm khởi nghiệp, Viện Khoa học Công nghệ của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục chú trọng vào chuyên môn và tìm địa điểm tiếp theo để triển khai dự án.
“Chúng mình dự định đưa dự án tới Cát Bà (Hải Phòng) bởi đây cũng chính là nơi thực tập chuyên ngành của các thành viên trong nhóm. Đặc biệt với sự tư vấn về chuyên môn của đội ngũ cố vấn là các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm trong khoa Đô thị nhóm sẽ tính toán cân đối các yếu tố về môi trường cũng như ổn định lại các yếu tố sinh hóa, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm. Đây là 2 yếu tố then chốt để giun quế phát triển ổn định trên các huyện đảo. Từ đó, dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”, Phan Văn Khải, thành viên dự án tâm sự.