Tag

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*

Giáo dục 12/11/2024 11:39
aa
TTTĐ - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã có diễn văn xúc động ôn lại hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của lớp lớp thế hệ thầy và trò.
Giáo dục đạo đức trong nhà trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Học sinh là trung tâm trong đổi mới giáo dục Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững

Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng đăng toàn văn diễn văn của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chúc mừng ngành Giáo dục Thủ đô trong ngày lễ trọng thể

Kính thưa: Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội!

Kính thưa: Đồng chí Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội!

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Kính thưa: Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội!

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội!

Kính thưa: Các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội!

Kính thưa các đồng chí đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành bạn, Quận, Huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã, các vị khách quốc tế!

Kính thưa: Các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh thân mến!

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Hôm nay, được sự đồng ý của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội, các quý vị đại biểu, các thế hệ cán bộ, nhà giáo, các thế hệ học sinh Thủ đô lời kính chúc sức khỏe và lời chào mừng nồng nhiệt.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Cách đây vừa tròn 70 năm, vào tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội đã vỡ òa trong niềm vui giải phóng Thủ đô, đón đoàn quân chiến thắng trở về. Niềm vui như nhân đôi với các thầy giáo, cô giáo và học sinh Hà Nội, bởi ngay sau thời khắc đó là sự ra đời của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Kể từ mùa thu năm ấy, đến hôm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.

7 thập kỷ, tuy chưa thật dài so với lịch sử đất nước, Thăng Long - Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam, nhưng với trọng trách lớn lao: “nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài”, cùng với sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên từng chặng đường phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, ghi nhận và khẳng định những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy và trò, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Hơn 3.500 đại biểu là các nhà giáo của 2.913 cơ sở giáo dục, học sinh trên địa bàn thành phố tham dự lễ kỷ niệm

Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình và đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước, mạnh mẽ, tự tin và vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.

Lật giở lại những trang đầu lịch sử, khi ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được khai sinh, chắc hẳn nhiều thế hệ nhà giáo không thể nào quên hình ảnh của một Hà Nội gian khó nhưng sôi nổi và đầy nhiệt huyết với những lớp học bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học.

Số trường này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng gần 90% người dân Hà Nội chưa biết chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt”, chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ.

Trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường học, thiếu phương tiện phục vụ việc học tập như: Bàn ghế, giấy bút, đèn dầu (vì phần lớn học vào buổi tối)..., có những nơi người học phải ngồi dưới đất, lấy thúng làm bàn viết; lại có những nơi phải học trong những ngôi nhà tranh dột nát, không phên vách, mùa Đông trời gió lạnh...

Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng các lớp học vẫn được tổ chức giản dị, ấm cúng; thầy kiên trì, nhiệt huyết; trò hồ hởi, hân hoan với niềm vui giản dị khi lần đầu biết viết tên mình. Những tiếng đánh vần: "A, Ă, Â..." vang lên khắp nơi, là những âm thanh vui tươi của một Hà Nội đầy khát vọng tri thức.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Chương trình nghệ thuật mừng kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục được dàn dựng công phu, hoành tráng

Kính thưa các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh thân mến!

Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong bom rơi, đạn nổ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm lo cho các thế hệ tương lai.

Cũng vào thời kỳ ấy, rất nhiều nhà giáo Hà Nội đã phải tạm biệt phấn trắng, bảng đen, hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia nhiều đơn vị chiến đấu tại chiến trường miền Nam hoặc trên các tuyến phòng không bảo vệ miền Bắc với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hành trang của các nhà giáo không chỉ có vũ khí mà còn có niềm tin và tri thức, giúp nâng cao tinh thần chiến đấu vì lý tưởng.

Trong đó, không ít nhà giáo Hà Nội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, để lại những trang giáo án, những bài giảng còn dang dở, cả những bài thơ, những trang nhật ký chứa đựng khát vọng hòa bình và thống nhất. Cũng có nhiều nhà giáo trở về sau chiến tranh, tiếp tục tham gia đứng lớp, mang theo cả những bài học từ chiến trường để dạy cho học sinh về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do - điều thiêng liêng, cao quý mà các thế hệ cha ông đã phải hy sinh xương máu để giành lại.

Chính sự hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người thầy đã góp phần hun đúc nên truyền thống giáo dục yêu nước, trở thành niềm tự hào không thể phai mờ trong lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Lịch sử phát triển của giáo dục Thủ đô được tái hiện lại phong phú, sinh động

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội nhận thức rõ về vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục, là “trái tim” của cả nước, cần phải nỗ lực phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 11/1/1979, ngay sau khi Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị được ban hành, Hà Nội đã bắt tay ngay vào công cuộc cải cách giáo dục; không những quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển về quy mô mà còn tập trung vào chiều sâu và mang tính cách mạng trong mục tiêu giáo dục, trong nội dung: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ); trong nguyên lý giáo dục: Yêu cầu “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội; trong việc xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm.

Với những mục tiêu và bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, 10 năm sau ngày thống nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có những bước “thay da, đổi thịt”, phát triển thành một trung tâm giáo dục lớn, đi đầu cả nước, tạo bước chuyển căn bản, tiền đề cho sự bứt phá khi đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới.

Giai đoạn đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 1986, với mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
70 năm giáo dục Thủ đô là niềm tự hào của các thế hệ thầy, trò...

Đặc biệt, kể từ ngày 1/8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình. Từ thời điểm đó, Hà Nội có gần 2.600 trường mầm non, trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 1,8 triệu học sinh.

Cũng từ thời điểm đó, Giáo dục Thủ đô có sự hội tụ đa dạng của các vùng sáp nhập. Mỗi vùng đất: Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình đều mang nét riêng về lịch sử, văn hóa và truyền thống giáo dục, góp phần tạo nên sự phong phú cho ngành Giáo dục Thủ đô. Dù sau hợp nhất còn có rất nhiều khó khăn, song chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao.

Thành phố Hà Nội luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; là đơn vị đầu tiên trong cả nước khởi xướng Cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”. Cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ và toàn diện đến chất lượng giáo dục của Thủ đô. Với nền tảng đó, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1990, phổ cập trung học cơ sở từ năm 1999.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh!

Có thể nói sự phát triển của giáo dục Hà Nội trên hành trình 70 năm truyền thống cũng chính là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Thủ đô.

Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước:

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ôn lại hành trình 70 năm xây dựng phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô

* Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về giáo dục và đào tạo của thành phố được thực hiện quyết liệt, xuyên suốt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp thực tiễn của thành phố. Hằng năm, thành phố dành nguồn lực tương xứng bảo đảm ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách của Thành phố.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã bố trí hơn 30.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 653 dự án trường học trên địa bàn thành phố. Các cơ chế, chính sách đối với Giáo dục Hà Nội đều được quan tâm và cao hơn so với trung bình của cả nước.

Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kiểm soát tốt các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong những năm gần đây, thành phố không có vấn đề nóng, gây bức xức dư luận về giáo dục và đào tạo.

* Về quy mô giáo dục Thủ đô không ngừng phát triển: Khi mới thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn.

Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong đó gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; có 120 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên.

Triển khai thực hiện Chương trình số 06, ngày 17/3/2021 của Thành ủy, thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng 8 trường liên cấp có quy mô từ 5ha trở lên. Các điểm trường này được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm các quốc gia trong khu vực.

Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

* Về đội ngũ nhà giáo Thủ đô: 70 năm vững vàng với chủ trương xây dựng nhà giáo không ngừng rèn đức, luyện tài. Hà Nội giờ đây có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đông đảo hơn, chất lượng hơn.

Tính đến nay, toàn ngành có gần 130.000 giáo viên các cấp học, ngành học; có 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Đây chính là nguồn lực quan trọng để thành phố thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập; chung sức vì sự phát triển của Thành phố sáng tạo, Thành phố học tập toàn cầu.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*

* Về chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao, học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đạt 88 giải thì đến năm 2024 là 184 giải (tăng gần 2,1 lần).

Thống kê từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Giáo dục đại trà được quan tâm, chú trọng. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giáo dục và Đào tạo Thủ đô giữ vững và đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng được nâng cao. Các mô hình trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ngày càng phát triển. Thành phố cũng luôn quan tâm, thực hiện các mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và trẻ em thiệt thòi tại các trường phổ thông chuyên biệt như: Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Trường Tiểu học Bình Minh.

Trong những năm qua, nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua đã được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô triển khai hiệu quả và mang dấu ấn riêng như: Phong trào: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025”; phong trào “Tiếng trống học bài”; “Xây dựng nhà trường văn hóa, Nhà giáo mẫu mực, Học sinh thanh lịch”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo…

Trong thời gian đất nước, Thủ đô bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến lớp học trực tiếp được, nhưng với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, thành phố Hà Nội đã có những quyết sách kịp thời, triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để giúp cho việc dạy và học không bị gián đoạn: Tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2021 - 2022 trên truyền hình; thực hiện việc dạy và học trực tuyến, trên truyền hình, trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến HanoiStudy; chương trình “Trường học kết nối”; “Nguồn học liệu mở”.

Với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố Hà Nội đã phát động chương trình “Máy tính cho em”, tặng hơn 10.000 thiết bị máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thành phố cũng đã miễn giảm học phí cho học sinh; trợ cấp cho giáo viên để giáo viên yên tâm công tác.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
Các nhà giáo tham dự lễ kỷ niệm

Giáo dục Thủ đô luôn phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; hưởng ứng thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.

Hàng năm, bên cạnh việc hỗ trợ các đơn vị xây nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng hệ thống nước sạch cho các trường khó khăn thì ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã giúp đỡ về kinh phí, hiện vật thiết bị dạy học, dạy học trực tuyến về các môn khoa học và ngoại ngữ... tới ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn để động viên, chia sẻ và giúp đỡ các giáo viên, học sinh vùng khó, ủng hộ các vùng bị thiên tai, bão lũ...

Các cơ sở giáo dục của Thủ đô đã tổ chức những hoạt động riêng, thiết thực để giúp đỡ giáo dục các tỉnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, giáo dục nhân cách, giáo dục lòng nhân ái, thể hiện tính nhân văn cao cả của đội ngũ nhà giáo và học sinh Thủ đô.

* Về công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục được quan tâm. Giáo dục Thủ đô kiên định với mục tiêu giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, hoàn thiện kĩ năng sống, hình thành nên những thế hệ học sinh biết đến hiện đại từ truyền thống, biết thích ứng và chủ động hội nhập quốc tế bằng tình yêu, niềm tự hào về đất nước, Thủ đô; đào tạo ra những công dân toàn cầu: Có đạo đức tốt, giỏi về văn hóa, ngoại ngữ, tin học.

Các hoạt động văn hóa chào hỏi, xây dựng “Trường học hạnh phúc” được đẩy mạnh. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong trường học có sự chuyển biến vượt bậc. Chỉ riêng trong 2 năm: 2023 và 2024, đã có gần 2.500 học sinh được giới thiệu học lớp tìm hiểu về Đảng, trong đó, có gần 300 học sinh trung học phổ thông được kết nạp Đảng, đã khẳng định bước đi đúng hướng, nhằm “ươm mầm hạt giống đỏ từ trường học”.

* Về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đẩy mạnh. Chỉ số Cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng trong top 10 Sở, ngành Thành phố. Công tác tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến được triển khai thực hiện hiệu quả trong 8 năm qua.

Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nền nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục; các hoạt động, phong trào thi đua trong toàn Ngành được tổ chức sôi nổi, ý nghĩa, hiệu quả, thiết thực.

* Về hội nhập quốc tế nhưng vẫn gìn giữ phát huy nét đẹp truyền thống Hà Nội: Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, thành phố Hà Nội không những phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành phố Hà Nội là Thành phố học tập - trở thành thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.

* Về phần thưởng cao quý: 70 năm qua, với những nỗ lực không ngừng, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu của Đảng và Nhà nước, trong đó 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý...

Có lẽ, niềm tự hào lớn nhất, đó là: Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã hoàn thành trọng trách phát hiện và bồi dưỡng những tài năng, đồng thời giáo dục các thế hệ học sinh Thủ đô trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*

Chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực, tạo sự lan tỏa trong toàn Ngành: Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô”; tôn vinh 70 Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo; Cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh”; Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024; Các Hội thi giáo viên dạy giỏi; thi học sinh giỏi; các hoạt đông tri ân với các thế hệ thầy giáo, cô giáo; các công trình phần việc mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, các cấp giáo dục và đào tạo đã tổ chức từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục là những đoá hoa muôn sắc màu dâng lên 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Vì thời lượng chương trình, sẽ là khiếm khuyết, trong Báo cáo ngày hôm nay của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa trình bày được đầy đủ, toàn diện những kết quả, thành tích đạt được, những cố gắng cống hiến của lớp lớp các thế hệ nhà giáo qua các thời kỳ, mà chỉ thể hiện những điểm nhấn, nét nổi bật, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các cán bộ, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, các em học sinh qua các thế hệ ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô 70 năm qua.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh!

Những thành tích, vinh dự của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong 70 năm qua có phần đóng góp công sức rất lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, góp phần tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp; phát huy và trao truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của nhân loại và của dân tộc mình; là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, tương lai, góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại. Chính các nhà giáo đã tạo dựng nền móng thành công của các thế hệ học trò, đặt dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.

Trong niềm vui chung, hướng tới kỷ niệm lần thứ 42 ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Với những kết quả, thành tích mà Ngành đã đạt được, chúng ta được đón nhận tin vui: Chủ tịch nước đã có 03 Quyết định: Số 1582, số 612; số 613 về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vinh dự có 1 “Nhà giáo Nhân dân” và 55 “Nhà giáo Ứu tú”. Đây là phần thưởng cao quý, mà Đảng, Nhà nước trân trọng ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của mỗi nhà giáo đối với sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng để đồng nghiệp học tập và noi theo.

Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, chúng ta vui mừng với những kết quả, thành tích đã đạt được nhưng chúng ta của thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về một số hạn chế, vấn đề còn băn khoăn, trăn trở trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô như: Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn xã hội; chất lượng giáo dục tại các trường ở ngoại thành và các trường nội thành còn chênh lệch; vấn đề bạo lực học đường; nhịp sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa...

Kính thưa các vị đại biểu!

Thăng Long - Hà Nội được mệnh danh là đất của nho sĩ, của những “làng khoa bảng”, “làng tiến sĩ”, nơi “tụ khí anh tài”, Xứ Đoài - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, là minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý. Truyền thống ấy, linh khí ấy, trải qua thời gian, không những không mai một mà vẫn được lưu giữ, vun đắp, tạo tiền đề cho nền giáo dục Thủ đô vượt qua những thử thách của lịch sử; xây dựng nền móng vững chắc thu hút tinh hoa nhân tài bốn phương, phát triển tiên tiến, hiện đại.

Kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, khi nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào về một nền giáo dục Thăng Long - Hà Nội, mà ở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã góp phần quan trọng vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. Kỷ niệm 70 năm không chỉ là cột mốc kỷ niệm mà còn là cơ hội để khẳng định sứ mệnh và định hướng phát triển của giáo dục Hà Nội trong tương lai.

Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*

Trong thời gian tới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô đứng trước những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn, thách thức: Vấn đề toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh và tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới mang tính đột phá (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, công nghệ phân tích dữ liệu lớn…) đã và đang tác động mạnh mẽ, căn bản đến toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội của đất nước, Thủ đô nói chung, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo.

Yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô: Làm thế nào phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô thực sự trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; Làm thế nào để đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Thành phố; Làm thế nào đáp ứng nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu học tập của nhân dân...

Với thế và lực sau 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội cùng với đất nước, với Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt, Luật Thủ đô được Quốc hội quyết định thông qua, trong đó có Điều 22 quy định những cơ chế chính sách về giáo dục.

Chính phủ, Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Nhà giáo với nhiều nội dung quan tâm và phát triển giáo dục, đặc biệt là vai trò của Người thầy trong các cơ sở giáo dục sẽ là tiền đề, là hành lang pháp lý để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, thế giới; Xây dựng Hà Nội trở thành thành phố học tập toàn cầu; Kết hợp đào tạo năng lực nhận thức, tư duy sáng tạo với giáo dục phẩm chất, nhân cách của người học; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho các thể hệ học sinh Thủ đô - những chủ nhân tương lai, lực lượng quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, Thủ đô; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại; Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu trường, lớp, đảm bảo điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp với độ tuổi; Đầu tư, phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, hướng đến nền giáo dục tiến tiến, hiện đài theo chuẩn quốc tế; Khuyến khích các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế ở tất cả các bậc học, cấp học; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng; Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế; Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh!

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào và trân trọng với những kết quả, thành tích mà toàn Ngành đã đạt được; tự hào được sống, học tập và làm việc tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng các giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Trong giờ phút thiêng liêng và trang trọng này, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; các thế hệ cha ông, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố, các tỉnh, thành bạn trong cả nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Thủ đô; xin được tri ân và trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà giáo, các cán bộ, công chức, viên chức người lao động toàn Ngành đã luôn cố gắng trong sự nghiệp “trồng người”; các bậc phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã luôn quan tâm, ủng hộ, đồng hành cùng ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô để nâng bước cho các thế hệ học sinh.

Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử cách mạng Hà Nội và lịch sử truyền thống của Ngành 70 năm qua, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đem hết sức mình phục vụ, đất nước, phục vụ nhân dân; quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.

Kính chúc các đồng chí lãnh và các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc. Kính chúc các cán bộ, thầy giáo, cô giáo, các em học sinh Thủ đô luôn đạt được nhiều thành công trên hành trình đổi mới, sáng tạo và cống hiến; kế tục xứng đáng truyền thống hiếu học của người Hà Nội; viết tiếp những trang vàng truyền thống của giáo dục Thủ đô; tiếp tục thắp lên ngọn lửa trí tuệ, nhân văn, yêu nước, nhiệt huyết và khát vọng vì một nền giáo dục tiên tiến của tương lai, vì một đất nước, Thủ đô hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn!


* Tiêu đề do báo Tuổi trẻ Thủ đô đặt

Đọc thêm

Trường THCS Mỹ Đình 1: Dấu ấn một chặng đường vươn mình bứt phá Giáo dục

Trường THCS Mỹ Đình 1: Dấu ấn một chặng đường vươn mình bứt phá

TTTĐ - Trường THCS Mỹ Đình 1 có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại. Những năm qua, thầy và trò nhà trường đã không ngừng vươn lên xây dựng nhà trường ngày càng khởi sắc trong mọi hoạt động.
Trường Tiểu học Xuân Phương: Hân hoan ngày “Tết thầy” Giáo dục

Trường Tiểu học Xuân Phương: Hân hoan ngày “Tết thầy”

TTTĐ - Ngày 20/11, Trường Tiểu học Xuân Phương tổ chức chương trình chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhà giáo chưa đủ sống sẽ không thể toàn tâm, toàn ý dạy học Giáo dục

Nhà giáo chưa đủ sống sẽ không thể toàn tâm, toàn ý dạy học

TTTĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống. Do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học.
Đại biểu Quốc hội nói về “không quản được thì cấm” trong dạy thêm Giáo dục

Đại biểu Quốc hội nói về “không quản được thì cấm” trong dạy thêm

TTTĐ - Theo đại biểu Quốc hội, dạy thêm học thêm cũng có những mặt tích cực; không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm.
Bảo vệ nhà giáo để họ yên tâm với nghề Giáo dục

Bảo vệ nhà giáo để họ yên tâm với nghề

TTTĐ - Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong dự án Luật Nhà giáo cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy.
Cô giáo trẻ tận tâm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng Giáo dục

Cô giáo trẻ tận tâm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

TTTĐ - Trung tâm can thiệp sớm Hội An (Quảng Nam) là nơi chuyên biệt giúp trẻ rối loạn phát triển, đặc biệt là trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Trường THPT Việt Đức kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Giáo dục

Trường THPT Việt Đức kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

TTTĐ - Hòa trong không khí tri ân thầy cô giáo trên cả nước, sáng nay 20/11, trường THPT Việt Đức đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường cùng nhau tôn vinh những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của ngôi trường giàu truyền thống.
Vinh danh truyền thống tôn sư trọng đạo tại Văn Từ Thượng Phúc Giáo dục

Vinh danh truyền thống tôn sư trọng đạo tại Văn Từ Thượng Phúc

TTTĐ - Tại Văn Từ Thượng Phúc (huyện Thường Tín, Hà Nội) có một không gian rất đặc biệt, nơi tái hiện sống động quá trình học tập, rèn luyện trên con đường dùi mài kinh sử của nhân sỹ thời xưa. Nơi đây cũng ghi danh các bậc tiên hiền đỗ đạt của đất Thường Tín và trở thành biểu tượng cổ vũ truyền thống tôn sư trọng đạo của vùng danh hương này.
Ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo Giáo dục

Ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo

TTTĐ - Đại biểu Quốc hội đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.
Chính sách mới sẽ tôn vinh những cống hiến của đội ngũ nhà giáo Giáo dục

Chính sách mới sẽ tôn vinh những cống hiến của đội ngũ nhà giáo

TTTĐ - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được những chính sách đối với đội ngũ nhà giáo tương xứng với những cống hiến của thầy, cô...
Xem thêm