Giáo dục đạo đức trong nhà trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đánh giá kỹ nguồn nhân lực khám, chữa bệnh y học gia đình Bài 2: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho Đảng Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam - Nhật Bản |
Đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử
Thực tế cho thấy, dù có nhiều nỗ lực trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ở một số nhà trường vẫn còn xảy ra những sự việc đáng buồn như học sinh có hành vi, lời nói vô lễ với thầy cô giáo, giáo viên chưa thực sự là tấm gương chuẩn mực với học sinh, bạo lực học đường năm nào cũng xảy ra dù ít, dù nhiều trở thành nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ và là hiện tượng xã hội nhức nhối, đặc biệt với học sinh lứa tuổi THPT.
Vậy, làm thế nào để ngăn chặn những sự việc làm không tốt, gây ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như nề nếp ứng xử văn hóa của nhà giáo, học sinh vẫn là một thách thức lớn.
Học sinh Hà Nội được tập huấn về an toàn giao thông |
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm thực hiện. Tại Hà Nội, nơi không chỉ chú trọng về kiến thức mà còn rèn luyện kĩ năng, lối sống, đạo đức cho học sinh, tạo nên những thế hệ người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì điều này lại càng được ngành Giáo dục Thủ đô thực hiện bền bỉ suốt chiều dài hình thành và phát triển của mình.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Luật Thủ đô có nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Vì vậy, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Các hoạt động tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh |
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao nhấn mạnh, đạo đức là nền tảng để phát triển năng lực và các phẩm chất khác của nhân cách. Thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều năm gần đây đang là vấn đề được toàn ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm.
PGS.TS Trần Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, những năm gần đây, thực trạng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của học sinh đã và đang làm cho dư luận xã hội lo lắng. Đặc biệt, tình trạng suy thoái tư tưởng, giảm sút niềm tin, thái độ thờ ơ, vô cảm, lối sống buông thả, lệch chuẩn của một bộ phận học sinh là một nguy cơ nguy hiểm nhất hiện nay.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an thành phố với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Hà Nội thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh,
Các cấp ngành chức năng tại Thủ đô cũng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học.
Ngành Giáo dục Thủ đô cũng tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách.
Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng Khoa học công nghệ Trần Thị Thu Hà (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, ngành Giáo dục đã tham mưu lãnh đạo UBND thành phố; đồng thời chủ động phối hợp các sở, ban, ngành triển khai những nội dung thực hiện văn hóa học đường trong trường học đạt hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở nội dung hai quy tắc của thành phố, ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường.
Trong đó, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử; niêm yết công khai những hướng dẫn thực hiện tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của mỗi nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua những hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học...
Định hướng thẩm mỹ cho học sinh
Không chỉ là trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao tiêu biểu của cả nước, những năm gần đây, ngành Giáo dục Thủ đô đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng thẩm mỹ cho học sinh. Chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện đòi hỏi mỗi nhà giáo, học sinh và từng trường học phải kiên trì nỗ lực, chung sức trách nhiệm để tạo nền tảng từ những việc nhỏ, lấy “xây” để “chống” bằng cách lan tỏa nét đẹp văn hóa.
Năm 2023, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công Liên hoan ban, nhóm nhạc học sinh phổ thông thành phố lần thứ nhất với chủ đề “Xây dựng văn hóa học đường Thủ đô”. Không chỉ là sân chơi hấp dẫn, lôi cuốn, liên hoan còn là dịp để các học sinh giao lưu, học hỏi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường; xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông.
Bên cạnh đó, tại các trường, công tác giáo dục thẩm mỹ cũng được tiến hành song song với việc truyền dạy kiến thức. Có thể nói, phong trào các câu lạc bộ đọc sách, các nhóm nhảy tại trường học ở Hà Nội rất phát triển, điều này vừa giúp học sinh được giải tỏa sau những giờ học căng thẳng, tăng tính đoàn kết, nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật vừa hướng các em đến những sân chơi lành mạnh, bổ ích.
Theo TS Nguyễn Văn Cường: “Thẩm mỹ là một trong những yếu tố góp phần cấu thành nhân cách con người, là cơ sở góp phần hình thành tư tưởng, tình cảm, cách ứng xử, là thước đo đánh giá năng lực thẩm mỹ của mỗi chúng ta. Không chỉ định hướng tư tưởng, quan điểm mà thẩm mỹ còn góp phần thôi thúc khát vọng, lý tưởng, động cơ, hình thành lối sống học tập và lao động có mục đích, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ”.
Đặc biệt, với lứa tuổi THCS, các em thường tìm kiếm cách thể hiện bản thân và thế giới thông qua nghệ thuật và thẩm mỹ. Sáng tạo thẩm mỹ giúp học sinh tự tin hơn trong việc thể hiện và khám phá bản thân.
Sáng tạo thẩm mỹ không chỉ là việc làm việc đơn lẻ mà còn là cơ hội để học sinh hợp tác, chia sẻ ý tưởng. Việc này có thể tạo ra một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và học tập xã hội.
Kỹ năng quan sát là một yếu tố quan trọng trong sáng tạo thẩm mỹ. Học sinh THCS có thể học cách quan sát chi tiết, màu sắc, hình dáng và cấu trúc để thể hiện ý tưởng một cách tốt nhất. Sự sáng tạo thẩm mỹ của học sinh được thúc đẩy thông qua tiếp xúc và tìm hiểu về kiến thức và nền văn hóa khác nhau.
Thông qua các hoạt động phát triển năng lực thẩm mỹ tại nhà trường, các em học sinh được chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, sự quan tâm của mình với các vấn đề mỹ thuật, vận dụng những kiến thức đã học của môn học mỹ thuật vào cuộc sống thực tiễn, đồng thời giúp các em quan tâm hơn đến góc độ thẩm mỹ. Từ đó chúng ta có thể giáo dục giá trị cho học sinh như: trân trọng truyền thống, chia sẻ, cảm thông, yêu thích, trách nhiệm, tự hào, giúp các em sống có ý thức thẩm mỹ trong các hoạt động cộng đồng và xã hội rộng lớn.
Như vậy, với việc rèn luyện đạo đức và thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, trình độ cảm thụ thẩm mỹ, học sinh được phát triển toàn diện, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, giảm bạo lực học đường, sống văn minh, thanh lịch, trở thành nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho tương lai của Hà Nội và đất nước.