Phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ: Cơ hội tốt để người trẻ tiếp cận với thị trường lao động
Phiên giao dịch việc làm (GDVL) có 40 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia tổ chức gian trưng bày, giới thiệu, tuyển dụng lao động. Phiên GDVL cũng đã thu hút hàng trăm người lao động trên địa bàn quận Tây Hồ và vùng lân cận tham gia cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tham dự, tìm hiểu cơ hội việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phát biểu tại Phiên giao dịch việc làm |
Phát biểu khai mạc phiên GDVL quận Tây Hồ năm 2020, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: 10 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực từ đời sống xã hội đến tình hình phát triển kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm đã ảnh hưởng đến việc làm trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự khiến hàng triệu lao động rơi vào tình trạng mất việc làm, thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19 và bước sang một trạng thái “bình thường mới”. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội về “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới; Khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố năm 2020, trong đó có mục tiêu giải quyết việc làm cho 156.000 lao động…
Các đại biểu cùng đông đảo người lao động, học sinh, sinh viên tham dự phiên Giao dịch việc làm |
Để đảm bảo được các mục tiêu đề ra, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cũng như các địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động (TTLĐ) hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới; Xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động; Định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của thành phố, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát.
Ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; Hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin TTLĐ từ thành phố tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống sàn GDVL Hà Nội, các sàn, điểm GDVL vệ tinh; Đẩy mạnh công tác dự báo TTLĐ ngắn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Đặc biệt, hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên GDVL chuyên đề, phiên GDVL lưu động tại các quận, huyện giúp đưa thông tin về nhu cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể. Người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.
Các đại biểu bấm nút khai mạc phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2020 |
Cũng theo ông Dân, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa, vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Theo định hướng phát triển của Thủ đô, quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của thành phố. Với vị trí đó, Tây Hồ có điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ) để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.
Tuy nhiên, công tác lao động - việc làm tại quận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ người lao động có nhu cầu tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp chiếm số lượng lớn, các nhà tuyển dụng cần lao động nhưng còn thiếu nhiều thông tin; Tình trạng người chờ việc, việc chờ người vẫn diễn ra, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề.
Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2020 không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà cũng chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động. Từ đó, họ học hỏi, trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường…
“Với những hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và liên tục đổi mới của hoạt động tổ chức phiên GDVL sẽ tiếp tục là một kênh thông tin chính thống và đáng tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động trong việc kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn thành phố. Phiên GDVL sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc điều tiết TTLĐ của cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.
Đại biểu tham quan các gian giao dịch việc làm |
Ban tổ chức giới thiệu các ngành nghề tuyển dụng, đào tạo tới người lao động và phụ huynh học sinh |
Theo Ban tổ chức, phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ 2020 có sự tham gia của một số doanh nghiệp, nhãn hàng uy tín như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen, Công ty TNHH Inkei Việt Nam, Công ty Cổ phần địa ốc Viethomes, Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi, Công ty TNHH Hekami Việt Nam, Công ty TNHH TM Thiên Thủy Mộc… Tại phiên giao dịch, các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng ngành nghề như: Kế toán - thu ngân, bán hàng, nhân viên kỹ thuật, thợ vận hành máy, nhân viên hành chính, kỹ sư, công nghệ thông tin… với các chỉ tiêu có chất lượng cùng quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc tìm kiếm việc làm phù hợp; Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.
Ngoài ra, tại phiên giao dịch việc làm có 350 chỉ tiêu xuất khẩu lao động đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức sẽ mang lại thêm những lựa chọn công việc cho người lao động tại địa phương.
Trong số 40 doanh nghiệp tham gia phiên GDVL, có 16/40 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất với 40%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Thương mại - dịch vụ, xuất khẩu lao động, siêu thị, bất động sản...
Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động quận Tây Hồ năm 2020 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người dân, lao động địa phương. Từ đó, phiên giao dịch sẽ tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại quận Tây Hồ và các vùng phụ cận lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống.
Tiến sĩ Phan Minh Đức nói chuyện với đoàn viên thanh niên, học sinh tại buổi giao dịch việc làm |
Đoàn viên, thanh niên, học sinh quận Tây Hồ bị cuốn hút bởi diễn giả định hướng nghề nghiệp |
Cũng trong ngày khai mạc phiên GDVL quận Tây Hồ 2020, Đoàn Thanh niên quận đã tổ chức mời diễn giả Tiến sĩ Phan Minh Đức, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tới dự, nói chuyện, thu hút sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận và đông đảo học sinh, sinh viên tới dự phiên GDVL.
Một phụ huynh đang tìm hiểu ngành tiếp viên hàng không để định hướng cho con khi tốt nghiệp cấp 3 |
Gian giao dịch việc làm của một đơn vị xuất khẩu lao động |
Các nhân viên tại bàn đón tiếp sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của người lao động và doanh nghiệp |
Người lao động quan tâm thông tin tại phiên giao dịch việc làm |
Phiên giao dịch việc làm thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn quận Tây Hồ |
Các em học sinh tham dự phiên giao dịch việc làm |