Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp 28 tỉnh, thành ứng phó với siêu bão RAI
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão RAI với 28 tỉnh, thành phố ven biển (Ảnh VGP/Đức Tuân) |
Chiều 17/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão RAI.
Theo đó, 28 tỉnh và thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão RAI gồm: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Cập nhật mới nhất về cơn bão RAI, hồi 13 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, như vậy chiều tối nay bão sẽ đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Cũng theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến chiều tối ngày 17/12, bão RAI sẽ đi vào khu vực phía Nam Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay. Dự báo khi vào Biển Đông, bão số 9 sẽ là cơn bão mạnh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo vị trí và đường đi của Bão RAI (Ảnh NCHMF) |
Do ảnh hưởng của bão RAI, từ ngày 17 - 18/12, các phương tiện tàu, thuyền hoạt động ở phía nam Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy ảnh hưởng từ cơn bão này.
Hiện Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị 28 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt diễn biến của bão; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; Tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.
Đối với đất liền, hải đảo, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; Tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công…