Phòng, chống cháy nổ tại các phòng trọ sinh viên: Nguy hiểm rình rập
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thời gian gần đây có rất nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra ở Hà Nội, trong đó có cả khu nhà trọ. Điển hình như vụ hoả hoạn xảy ra tại khu nhà trọ cao 6 tầng ở ngõ 60, đường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đám cháy xuất phát từ tầng 1, nơi để xe trong khu nhà trọ có 6 tầng, mỗi tầng 4 phòng đã khiến 5 người bị thương và 1 người tử vong. Điều này đã gây nên thiệt hại không chỉ về người mà còn gây nên thiệt hại về tài sản.
Hiện nay, đa số người thuê nhà trọ đều sinh viên, người lao động ngoại tỉnh,... nên họ thường tìm những khu trọ giá rẻ để cắt giảm được chi phí nhiều nhất. Đồng nghĩa với việc thuê trọ giá thành thấp thì việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy là một điều vô cùng khó.
Để có được giá thành thấp cho thuê, chủ trọ cũng tiết giảm mọi thiết bị trong nhà. Chính vì thế, cháy nổ luôn tiềm ẩn từ chính thứ xung quay như dây điện kém chất lượng, bình nóng lạnh cũ,... Thậm chí, chủ trọ tiết chế đến mức không chuẩn bị cả những vật dụng phòng cháy chữa cháy.
Hiện nhiều khu nhà trọ chưa đảm bảo các biện pháp phòng cháy chữa cháy |
Chấp nhận thuê phòng trọ với giá rẻ, nên chị Lê Ngọc Huyền đang thuê trọ ở khu vực Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng: “Khu trọ ở đây khá nhiều người nên cũng khó kiểm soát được hết. Tôi ở tầng 3 trong khu này, nếu xảy ra cháy nổ ở tầng dưới thì sẽ rất nguy hiểm vì chỉ có một cầu thang chung, không có lối thoát hiểm nào khác”.
Chị Nguyễn Thu Hương đang thuê phòng ở phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Bây giờ đã lựa chọn thuê phòng giá rẻ thì đành phải chịu, không có những dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Hiện tại, tôi cũng chỉ cố gắng an toàn hết sức có thể bằng những việc mình có thể làm được như sử dụng bếp từ thay bếp gas, tắt nóng lạnh khi không cần dùng,...”.
Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều dãy trọ sinh viên không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Lối ra, vào duy nhất là chiếc cổng cao bịt kín. Một số dãy trọ bịt kín ban công bằng hàng rào sắt nên rất khó để người ở thoát ra nếu xảy ra cháy nổ.
Bà Nguyễn Thị Khanh chủ trọ tại Nam Từ Liêm, Mỹ Đình chia sẻ: “Gia đình tôi từ khi xây trọ đã thiết kế cửa thoát hiểm cũng như tuân thủ mọi quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn tại khu nhà trọ nên tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người thuê trọ cần đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là việc sử dụng điện, ga để đun nấu…”.
Nâng cao ý thức của người dân
Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Với thực trạng nhà cho thuê trọ như hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, bởi sự tạm bợ của hạ tầng cơ sở và ý thức chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy của người sử dụng. Ý thức của người dân mà chủ quan về an toàn phòng cháy chữa cháy thì không chỉ các khu nhà trọ bị đe doạ hỏa hoạn, mà những ngôi nhà đắt tiền liền kề cũng có thể là mục tiêu cháy”.
Đáng lo ngại hơn nữa là do giá cả nhà chỉ ở mức dành cho người thuê có thu nhập thấp, nên chủ nhà cho thuê không đầu tư trang bị thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy. Hệ luỵ của sự “trắng tinh” về an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu nhà cho thuê trọ, đã dẫn đến những hậu quả khôn lường khi xảy ra cháy, nổ.
Lý giải về các vụ cháy nhà trọ thường có thiệt hại về người, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm nêu rõ: “Các khu nhà cho thuê trọ, phòng trọ đều không có lối thoát nạn thứ 2, mà duy nhất chỉ có cửa ra vào. Cùng với đó là các lối đi lại vào buổi tối luôn bị chiếm dụng, xe máy để chiếm hết lối đi. Trong khi đó, trong căn phòng trọ nhỏ đồ đạc chất nhiều, thậm chí chất ngay cửa ra vào việc đi lại chỉ he hé cánh nên khi xảy hoả hoạn đã không có đường thoát”.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra đối với loại hình nhà trọ, nhà cho thuê để ở, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho người dân |
Mỗi cá nhân, hộ gia đình tại các khu trọ, nhà cho thuê để ở cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình; Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực, xà beng… Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; Đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội yêu cầu người dân tự giác lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, automat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, lúc ra khỏi nhà, phòng làm việc, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng.
Cùng với đó, người dân cần trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Khi xảy ra cháy hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; Tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện thoại báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114.