Phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Nhiều người dân vẫn lơ là, không đeo khẩu trang nơi công cộng
Còn nhiều người “quên” đeo khẩu trang nơi công cộng
Tính đến nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 75 không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Thực tế hiện nay, việc một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không đeo khẩu trang nơi công cộng là hết sức nguy hiểm.
Để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/11 sẽ áp dụng các mức phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, điểm a khoản 1 của Nghị định chỉ rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.
Nhiều người dân vẫn còn chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng |
Quy định này được đánh giá là cần thiết khi mối nguy bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng vẫn luôn thường trực. Đặc biệt, người dân đang dần lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...
Khảo sát thực tế của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy, tại một số nơi công cộng tập trung nhiều người như nhà ga, bến xe, sân bay... hành khách đi lại có đeo khẩu trang nhưng vẫn mang tính hình thức, chưa tự giác và thường xuyên so với thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Thậm chí ở nhiều nơi như bệnh viện, siêu thị, những nơi công cộng tập trung đông người như chợ, công viên, các điểm vui chơi giải trí… tình trạng người dân lơ là, không đeo khẩu trang vẫn còn xảy ra. Ở các quán ăn ngoài lề đường, vỉa hè cũng hiếm thấy ai đeo khẩu trang dù thành phố vẫn còn duy trì quy định bắt buộc đeo ở nơi công cộng.
Đơn cử như tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), theo ghi nhận của phóng viên, nơi đây có lưu lượng buôn bán lớn. Tổ bảo vệ và quản lý chợ thường xuyên túc trực 24/24 giờ để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ý thức người dân không cao, nhiều người đeo chỉ để đối phó.
Tại một số bệnh viện, nhiều người dân đã có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh nhưng vẫn còn một số không đeo khẩu trang |
Tại nhiều trung tâm thượng mại lớn trên địa bàn Hà Nội, lực lượng bảo vệ chốt chặn tại các cửa để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Tuy nhiên, chỉ cần đi qua chốt kiểm soát, nhiều người vô tư tháo bỏ khẩu trang mà không quan tâm đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tại chợ dân sinh trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên, Ba Đình, Gia Lâm… số người chưa tuân thủ quy định đeo khẩu trang còn nhiều. Chị Vũ Thị Thúy, kinh doanh thực phẩm tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) phản ánh, nhiều người có tâm lý chủ quan, vào mua hàng không đeo khẩu trang. Chị Thúy kiến nghị, lực lượng chức năng cần thường xuyên nhắc nhở và xử phạt thì việc đeo khẩu trang của người dân tới chợ sẽ nghiêm túc hơn.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Ðể tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, mới đây Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 30/TB-BCĐ ngày 12/11/2020 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp số 71, diễn ra ngày 11/11/2020.
Theo đó, Ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Người dân cần tuân thủ đeo khẩu trang tại công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ, các sự kiện văn hóa - thể thao, kinh tế - xã hội ở nơi công cộng, sân vận động, bệnh viện.
Người dân không đeo khẩu trang khi mua sắm tại siêu thị |
UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn cần yêu cầu đơn vị quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, bến xe đề nghị người dân đeo khẩu trang tại các khu vực trên; Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Nhiều ý kiến đề nghị, việc chế tài xử phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng cần được UBND phường, xã tăng cường hơn nữa, nhất là công tác khảo sát, kiểm tra ở địa bàn dân cư, chợ dân sinh, các điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn... nhằm kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt theo quy định…
Tại một số chợ, người dân đã có ý thúc phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang |
Ðồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu thực hiện hình thức "phạt nguội" như xử phạt các đơn vị tổ chức sự kiện, các khu du lịch, chung cư, siêu thị... khi tổ chức các hoạt động tập trung đông người mà không bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19. Cư dân ở chung cư, người lưu trú tại các khách sạn thực hiện đeo khẩu trang khi sử dụng thang máy, các tiện ích sử dụng chung. Nếu nơi nào tái phạm nhiều lần thì cho dừng, không cho tổ chức các hoạt động, sự kiện tiếp theo…
Theo các chuyên gia y tế, mùa đông lại là thời điểm rất thuận lợi để dịch bùng phát trên thế giới và Việt Nam. Việc chủ quan, mất cảnh giác, lơ là trong các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 của các nước khu vực và thế giới ngày càng gia tăng, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam lớn vì số lượng người nhập cảnh tăng lên. Ở nhiều tỉnh thành phố, người dẫn vẫn không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người...
Do đó, việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân phải tự ý thức tuân thủ triệt để theo những quy định của cơ quan y tế, quy định của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại bất cứ lúc nào.