Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Bắt đầu từ ý thức của người dân
Quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch
Tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, số ca mắc cao đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu mùa dịch đến ngày 4/10, toàn huyện đã ghi nhận 1.099 ca mắc sốt xuất huyết phủ kín tại các xã, thị trấn; Số ca mắc tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh, hiện nay có 10 ổ dịch đang còn hoạt động, đã có 10 ổ dịch kết thúc xử lý. Một số xã ghi nhận số ca mắc cao như: Đại Thắng, Hoàng Long, Phượng Dực, Tri Trung, Hồng Minh… Đây là các địa bàn có nhiều ca mắc bệnh kéo dài cho đến nay.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên cho biết: Trước tình hình cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, UBND huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh với mật độ 2 buổi/ngày, cộng với tuyên truyền lưu động…
Đồng thời, huyện quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Mặt khác, duy trì tổ chức tổng vệ sinh môi trường, lật úp phế thải để diệt bọ gậy, diệt muỗi vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Các địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết |
UBND huyện giao Trung tâm Y tế phối hợp các xã, thị trấn tiến hành đánh giá điểm có nguy cơ cao để tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Lê Quý Đôn cho biết: Đại Thắng hiện còn 1 ổ dịch tại thôn An Mỹ với 8 ca bệnh mới và một số ca bệnh cũ chưa khỏi. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn xã có 119 ca mắc tập trung ở thôn Văn Hội và An Mỹ.
Phía Trung tâm Y tế huyện phối hợp với UBND xã, trạm y tế tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân biện pháp phòng, chống, dấu hiệu nhận biết mắc sốt xuất huyết, cách chăm sóc sức khỏe người bệnh điều trị tại nhà. Tăng cường hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng, toàn huyện còn 114 ca bệnh mới ở các xã, thị trấn đang cách ly điều trị tại các bệnh viện và trạm y tế. Các ổ dịch đều đã được khoanh vùng, xử lý đúng quy định và có hiệu quả.
Cùng với huyện Phú Xuyên, tình hình dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 4/10, trên địa bàn quận có 1.229 ca sốt xuất huyết và 1.066 ca đau mắt đỏ, trong đó xuất hiện 14 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11/14 phường.
Các phường có số bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều có Định Công 396 ca, Đại Kim 200 ca, Thanh Trì 129 ca, Hoàng Liệt 102 ca. Với bệnh đau mắt đỏ, phường Hoàng Liệt 615 ca, Vĩnh Hưng có 219 ca, Thịnh Liệt 113 ca.
Trưởng phòng Y tế Nguyễn Xuân Trung cho biết: Mặc dù có tới 1.229 ca sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hoàng Mai nhưng tính tỷ lệ trên số dân (khoảng 92.000 người) thì mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát. Quan trọng nhất là không được chủ quan khi tháng 9 phát sinh 613 ca, tăng 282 ca so với tháng 8, ngay như hôm qua 3/10 đã có 22 ca mắc mới.
Theo sự chỉ đạo của thành phố, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành 24 văn bản triển khai chống dịch trên địa bàn, thành lập 1.223 đội xung kích (2.512 thành viên) và 135 tổ giám sát (187 thành viên). Đến nay, quận Hoàng Mai đã tổ chức 59 chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt bọ gậy và hơn 42 ngàn hộ dân đã được huy động vào cuộc.
Các phường xuất hiện ổ dịch đã được y tế quận tiến hành phun hóa chất diện rộng, trong đó phường Định Công, Lĩnh Nam 3 lượt, Thanh Trì, Đại Kim 2 lượt. Quận Hoàng Mai còn tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại phường Định Công với hơn 600 người tham gia.
Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch
Trong các tuần gần dây, số bệnh nhân đang có xu hướng tăng, dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới bởi thời tiết mưa nhiều. Đây là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi tại các địa bàn có nhiều ao, hồ, sông nước. Vì thế thành phố Hà Nội yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch, giám sát dịch bệnh, duy trì hoạt động của các đội xung kích, chủ động vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy.
Cần loại bỏ những dụng cụ chứa nước để phòng chống dịch sốt xuất huyết |
Theo các chuyên gia y tế, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới. Nguyên nhân do diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.
Tại Việt Nam, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng, chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, đơn vị sẽ triển khai công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch ở một số quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ.
Đồng thời, đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho đội xung kích, tổ giám sát và các cộng tác viên về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại một số nơi có diễn biến dịch phức tạp, kéo dài.