Phụ nữ Cơ Tu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng có 35 thành viên phụ nữ dân tộc Cơ Tu (Ảnh Đ.Minh) |
Nằm ẩn mình bên con suối Tà Lu, cách thị trấn Prao, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) khoảng 3km về hướng Đông Nam là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Đhrôồng. Làng nghề ra đời nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm truyền thống, tạo việc làm cho chị em phụ nữ Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam.
Trao truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng chính thức hoạt động từ tháng 6/2013, ngày 20/3/2014 UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép sử dụng địa danh thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) để đăng ký nhãn hiệu “COTU YAYA DHROONG” cho 6 nhóm sản phẩm sản xuất tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng nghề thôn Đhrôồng.
Tính đến nay, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng có 35 thành viên. Hàng ngày, những phụ nữ Cơ Tu ở đây miệt mài bên khung cửi từ 7 đến 16h30 để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình. Từ đôi bàn tay khéo léo, họ đã dệt nên những tấm thổ cẩm vô cùng đặc sắc.
Tuy không nặng nhọc như công việc đi rừng, trồng nương rẫy... song dệt thổ cẩm cần nhiều thời gian và sự kiên trì, tỉ mỉ, đặc biệt là bàn tay khéo léo, sáng tạo. Công cụ để tạo ra những sản phẩm dệt thổ cẩm được làm hoàn toàn bằng tre, gỗ tự nhiên vô cùng thô sơ do chính người dân tạo ra.
Việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh Đ.Minh) |
Chị Zơrâm Thị Hải, thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng kể, từ xa xưa những người con gái Cơ Tu khi còn ở với cha mẹ đã được hướng dẫn cách dệt thổ cẩm. Khi đến tuổi trưởng thành, mọi cô gái đều phải biết dệt những hoa văn cườm như: Khố, váy, áo adoót, tấm choàng, tấm điệu trẻ, xà lùng...
Nghề dệt thường gắn liền với người phụ nữ và được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi sản phẩm là một quá trình dày công đan dệt với nhiều công sức tỉ mỉ, sáng tạo và chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người Cơ Tu.
Học nghề dệt thổ cẩm từ những người phụ nữ thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau, những tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Do sản phẩm dệt được làm hoàn toàn thủ công với những công cụ thô sơ, nên chỉ những người phụ nữ mới có đủ kiên trì để làm được.
Cô Pơlong Thị Mêu (45 tuổi) làm quen với khung dệt từ lúc 14 - 15 tuổi cần mẫn dệt từng sợi chỉ, các hoa văn thổ cẩm sặc sỡ nổi lên trên nền vải đen truyền thống (Ảnh Đ.Minh) |
Ông Blinh Trao, Chủ tịch UBND xã Tà Lu (huyện Đông Giang) cho rằng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều. Việc khôi phục các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng đã góp phần tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Những sản phẩm của người Cơ Tu làm ra giờ đã trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tìm “đầu ra” cho sản phẩm truyền thống
Những người phụ nữ đang ngồi cần mẫn dệt từng sợi chỉ, các hoa văn thổ cẩm đặc sắc nổi lên trên nền vải đen truyền thống. Khung cửi với những thanh gỗ dài, nhẵn to nhỏ khác nhau được căng sẵn các sợi chỉ. Gọi là khung cửi nhưng không có khung, các thanh gỗ được cố định bằng chính đôi chân của người dệt. Chị Bơling Thị Treng (46 tuổi) ngồi trên sàn nhà, mắt chăm chú, lưng thẳng, chân duỗi dài cố định bộ khung cửi, đôi tay nhanh thoăn thoắt dệt vải.
Ngoài dệt thủ công, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng được hỗ trợ máy may tạo ra sản phẩm may theo yêu cầu (Ảnh Đ.Minh) |
Chị Treng kể, tuy không được sinh ra từ đây nhưng Đhrôồng là mảnh đất gắn bó với cuộc sống của chị từ khi dời từ làng cũ A Ró (xã Lăng, huyện Tây Giang nay) đến đây định cư vào năm 1978. Làm quen với khung dệt từ lúc 14 - 15 tuổi, nay trải qua nhiều thăng trầm với khung dệt, sợi chỉ.
“Sản phẩm do chúng tôi làm ra đã được khách hàng đặt mua, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các sản phẩm của nhóm dệt Cơ Tu ở thôn Đhrôồng bắt đầu được biết đến tại các hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Sản phẩm của Tổ đã được một vài cơ sở bán hàng lưu niệm tại Hội An, Đà Nẵng đặt hàng. Một số chủ sạp vải ở TP Hội An, Đà Nẵng tự thiết kế mẫu mã, yêu cầu chúng tôi làm theo mẫu đó", chị Treng chia sẻ thêm.
“Nếu dệt thổ cẩm vì mục đích kiếm tiền, vì mục đích lợi nhuận chắc không ai dệt. Bởi hiện dệt một tấm khố cườm rộng 30, dài 4m, mất 10 ngày; Một tấm choàng đôi dài 3,5m, rộng 1m mất hơn 20 ngày; Áo adoót dệt mất 5 ngày, váy ngắn mất 4 ngày, váy dài mất 10 ngày.
Trong khi đó, bán trên thị trường, tấm khố giá từ 800 - 1 triệu đồng. Tấm choàng đôi giá bán 1,2 triệu đồng; Tấm đắp đơn giá 700 nghìn đồng, váy dài giá 1 triệu đồng và tấm váy ngắn có 500 nghìn đồng, khăn choàng cổ giá 250 nghìn đồng...”, chị Zơrâm Thị Hải chia sẻ.
Nghề dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng cần được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm (Ảnh Đ.Minh) |
Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng cho biết, dù rất tâm huyết với nghề dệt của cha ông nhưng các chị em phụ nữ trong tổ vẫn chưa có nguồn thu nhập ổn định từ nghề thủ công truyền thống này.
Mong ước của chúng tôi là nghề dệt thổ cẩm phát triển gắn với du lịch, mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này ở các đô thị lớn. Việc này sẽ là động lực đưa Đhrôồng thành điểm thu hút các tour du lịch miền núi phía tây Quảng Nam. Lúc đó, sản phẩm dệt của Tổ hợp Đhrôồng sẽ trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa của người Cơ Tu, đứng vững và vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, đại dịch COVID-19 khiến du lịch bị đình trệ nên 2 làng nghề dệt thổ cẩm Đhrôồng và Bhờ Hôồng hoạt động cầm chừng, có nhiều thời điểm tạm dừng vì không có du khách. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất đa số thủ công dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với làng nghề khác có sản phẩm tương tự.
Được biết, huyện Đông Giang đã lên kế hoạch cụ thể, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2022 - 2025 để khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công, thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu |
Ông Đỗ Hữu Tùng cho biết thêm, địa phương quyết tâm bảo tồn, phát huy yếu tố truyền thống của nghề, làng nghề. Chú trọng phát triển sản phẩm thủ công tiêu biểu là thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ, rượu cần; Gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đông Giang đã xây dựng “Đề án bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
UBND huyện sẽ trình Huyện ủy, HĐND huyện cho ý kiến trong thời gian tới. Việc xây dựng đề án này nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Cơ Tu, phục hồi những làng nghề truyền thống độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác.
Do đó, việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho thôn Đhrôồng, xã Tà Lu (huyện Đông Giang) phát triển du lịch mà còn tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Để nghề dệt thổ cẩm sống mãi, ngoài việc đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho chị em, mở lớp dạy nghề… thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con Cơ Tu. Ngược lại, các sản phẩm thổ cẩm cũng cần sáng tạo hơn, có tính ứng dụng cao vào đời sống hàng ngày và tận dụng nền tảng công nghệ để đưa sản phẩm vươn xa hơn.