Phút trải lòng của những chiến sĩ áo trắng nơi "tâm dịch Covid-19"
Đã quen với nỗi vất vả
Trưa 2/2, tại sở chỉ huy của TT Y tế TP. Chí Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa xác định sẽ di dời bệnh nhân âm tính khỏi TTYT và thu dung 69 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngay trong ngày.
Để đáp ứng kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hải Dương đã lập tức ra công văn khẩn điều động các cán bộ, nhân viên Y tế thuộc các bệnh viện trong toàn tỉnh tiếp ứng Chí Linh, Hải Dương.
Nhiều cán bộ y tế đã lên đường ra trận mà chưa kịp gọi về cho gia đình. Ngồi trên ghế đá, giữa quãng nghỉ của 2 ca trung chuyển bệnh nhân, anh Phạm Chí Công (SN 1987), công tác tại Bệnh viện Phổi Hải Dương chia sẻ: “Chúng tôi nhận được lệnh điều động của Sở Y tế tới TP Chí Linh để phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 về điều trị.
Lúc đầu chúng tôi sợ lắm, nhưng qua thực hiện nhiệm vụ từ các đợt dịch trước, nên chúng tôi cũng đã dần quen với công việc này”.
Ít ai biết rằng, cả hai vợ chồng anh Công đều là thành viên trong tổ phản ứng nhanh của Sở Y tế Hải Dương.
Anh Công (phải) lên đường di chuyển bệnh nhân cùng đồng nghiệp |
Với anh Công, đây không còn là nhiệm vụ, trách nhiệm được giao mà còn là sứ mệnh với những người khoác trên mình chiếc áo bluse trắng. Theo dõi cuộc trò chuyện của anh với gia đình, chúng tôi mới thấm thía sự đồng cảm, đồng hành từ những hậu phương của các anh.
Lớp kính của tấm chắn giọt bắn đã mờ đi vẫn không che nổi ánh mắt rưng rưng của anh, cái xúc cảm từ tâm đặc biệt của những chiến sĩ vùng tâm dịch: “Hai vợ chồng nhận nhiệm vụ là xác định sẽ phải cách ly, sẽ phải đối đầu với nguy cơ nhiễm bệnh nhưng chúng tôi hiểu được đây không còn là trách nhiệm nữa mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của nghề nghiệp. Nghĩ như thế, mọi sự vất vả đều qua đi”.
Nữ chiến binh áo trắng dũng cảm với dịch bệnh
Tham gia vào lực lượng vận chuyển bệnh nhân Covid-19, có một nữ chiến binh đặc biệt, chị được các anh gọi là “chiến binh trẻ đẹp” nhất đội hình. Chiến binh đó là Mai Thị Tú Anh, sinh năm 1997, công tác tại TT Y tế huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Chúng tôi bất ngờ và xúc động với những chia sẻ của chị, một người vừa được nhận công tác vài tháng.
Tú Anh cho biết: “Tôi tự hào lắm. Tự hào khi được trở thành một chiến binh khi tham gia vào cuộc chiến chung của toàn ngành. Sáng nay, tôi đã điện về cho gia đình thông báo lên đường ra trận và hứa sẽ đảm bảo an toàn tối đa để mọi người đỡ lo lắng”.
Có tận trong “sào huyệt” cuộc chiến thì mới thấu hiểu được cho tường tận sự dũng cảm của những chiến binh. Đang trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Tú Anh nhận lệnh sẽ phải tham gia vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 về thu dung tại bệnh viện trước đó là nhận lệnh di chuyển bệnh nhân âm tính ra các khu bệnh viện khác.
Không một giây lo sợ, trong bộ quần áo bảo hộ ướt sũng vì mồ hôi, Tú Anh nói với những người đồng đội: “Thực chiến rồi anh em!”.
Cả đội trong khí thế sẵn sàng, nhiều anh em có kinh nghiệm truyền đạt về việc mặc quần áo mỏng ở trong để tránh bất tiện. Họ là cán bộ, nhân viên y tế của nhiều bệnh viện của Hải Dương.
Ngày thường, họ có thể khác nhau về chức vụ, chuyên môn công tác. Nhưng, giữa cuộc chiến với Covid-19, họ là những người đồng chí, chung chiến hào, chung sứ mệnh.
Những chiếc xe rời đi trong sự gấp gáp, khẩn trương đến nghẹt thở. Chúng tôi nhìn theo, mắt rưng rưng khi nghĩ về câu nói của con anh Công qua điện thoại: “Bố mẹ và mọi người mạnh mẽ nhé!”.
Hải Dương đang trong những ngày gồng mình chiến đấu với dịch bệnh. Anh Công, chị Tú Anh cùng hàng trăm người đi thẳng vào tâm dịchđang âm thầm cống hiến, hy sinh để lời chúc “Hải Dương chiến thắng!” trở thành sự thật.