Quận Hà Đông thiệt hại khoảng 41 tỷ đồng sau cơn bão số 3
Hỗ trợ 200 tấn gạo cho 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 Bộ Y tế quyên góp ủng hộ người bị thiệt hại do bão số 3 |
Theo báo cáo của Quận uỷ Hà Đông về tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn: Có 2.308 cây bị đổ, 50 cây gãy cành; Về tài sản có 2 nhà dân (nhà cấp 4) bị sập do cây đổ; 59 nhà dân và 1 nhà xưởng bị tốc mái tôn; 19 ô tô bị hư hỏng; nhà xe tại trụ sở UBND phường Đồng Mai bị đổ sập; tường rào cơ quan, đơn vị bị đổ do cây xanh đổ đè vào; nhà màng sản xuất nông nghiệp bị đổ.
Cũng theo báo cáo, toàn quận có 29 cột đèn chiếu sáng, cột điện bị đổ; xảy ra 8 sự cố lưới điện trung thế; 3 trạm biến áp bị sự cố làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện tại một số tổ dân phố trên địa bàn phường Kiến Hưng, Hà Cầu, La Khê, Mộ Lao,...
Lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 |
Sau cơn bão số 3, một số tuyến đường trên địa bàn Quận Hà Đông bị ngập úng cục bộ từ 20-50cm như: Phố Tô Hiệu, phường Hà Cầu (trước chi cục Thuế và tòa nhà HUD3); Đường tại các tổ 1, 2, 3, 4, 5, chân cầu HH2, đường Quyết Thắng, phường Yên Nghĩa…
Không chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất, bão số 3 đi qua cũng làm cho 303,13 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề; thiệt hại 582 con gia xúc, gia cầm; 45,99 ha diện tích nuôi cá truyền thống, cá bản địa gần như mất trắng.
Tổng thiệt hại ước tính khoảng 41 tỉ đồng
Để khắc phục những thiệt hại nêu trên, Ủy ban Nhân dân Quận Hà Đông, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ, gãy; rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn.
Lãnh đạo quận cũng đề nghị các Xí nghiệp thoát nước số 6, 7, 8 chủ động vận hành liên tục các trạm bơm: (Hà Trì; Đa Sỹ; Vạn Phúc; Cơ khí nông nghiệp; Mậu Lương) để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn quận...
Đến nay, lượng mưa đã giảm, nước trong khu vực dân cư đang rút, tuy nhiên các khu vực dân cư thuộc những phường Nguyễn Trãi, Phúc La nằm sát sông Nhuệ bị ngập sâu, mực nước đã chảy vào trong nhà các hộ dân từ 15-30cm và có khả năng dâng cao. UBND quận đã chỉ đạo các phường kiểm tra, rà soát những khu vực trũng thấp di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn.
Áo xanh tình nguyện hỗ trợ vệ sinh môi trường, dựng lại những cây cột, biển báo giao thông bị đổ do bão |
UBND Quận cũng yêu cầu các trường học phối hợp UBND phường, ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng, phụ huynh học sinh sửa chữa, khắc phục mái tôn, cổng trường, cửa sổ, cửa ra vào bị hư hỏng; xử lý các cây xanh bị nghiêng, gãy, đổ trong trường học; đồng thời tiến hành dọn dẹp, vệ sinh trường lớp.
Đến nay, hầu hết các trường có thể đón học sinh quay trở lại học bình thường từ ngày 9/9; còn 1 trường liên cấp Phổ thông Quốc tế Việt Nam chưa thể đón học sinh quay trở lại học vào ngày 9/9 do số cây đổ của nhà trường nhiều, cửa kính, các tấm ốp trần lớp học đã bị hỏng, vỡ. Nhà trường đã cho học sinh quay trở lại học bình thường vào ngày 10/9 và có phương án dạy bù để đảm bảo khung chương trình năm học 2024-2025.
Trước đó, vào sáng 8/9, UBND Quận Hà Đông, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận phối hợp với lực lượng hiệp đồng, lực lượng tăng cường hỗ trợ các đơn vị, UBND các phường khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Tính đến thời điểm này, Công ty Điện lực Hà Đông đã cơ bản khắc phục xong các sự cố, đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng và phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên địa bàn quận.
UBND quận đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan triển khai phương án cứu trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, trong đó đã hỗ trợ 1 trường hợp bị thương do tôn bay ở phường Yên Nghĩa với số tiền là 5 triệu đồng; hướng dẫn 7 trường hợp bị tốc mái nhà có hoàn cảnh khó khăn hoàn thiện thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong thời gian tới, UBND quận Hà Đông tiếp tục cập nhập thường xuyên tình hình diễn biến của mưa bão, ngập úng để kịp thời ứng phó; đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang triển khai trên địa bàn.
Bên cạnh đó, quận cũng sẽ thúc đẩy các lực lượng chức năng tiếp tục xử lý các cây xanh bị đổ, gãy trên địa bàn (trồng lại hoặc chặt bỏ) để đảm bảo an toàn giao thông; chủ động vận hành liên tục các trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn quận.