Quảng Nam: Đôn đốc mỏ cát hoạt động, đảm bảo nguồn cung cho thị trường
Hàng loạt mỏ cát tại huyện Đại Lộc bất ngờ tạm ngưng hoạt động khai thác, vận chuyển khiến nguồn cát xây dựng tại các địa phương trong tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng (Ảnh: V.Q) |
Nhiều tuần kể từ sau đợt Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, câu chuyện thiếu hụt nguồn cát xây dựng đang là vấn đề nóng tại tỉnh Quảng Nam, nhất là tại các địa phương có hoạt động dự án xây dựng đầu tư công đang được triển khai như thị xã Điện Bàn, TP Hội An.
Mỏ ngừng hoạt động chính quyền không được thông báo?
Nhiều năm qua, khu vực Giao Thuỷ, xã Đại An, huyện Đại Lộc vốn là "điểm nóng" về tình trạng tập kết, vận chuyển cát xây dựng đi các nơi như TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế để tiêu thụ.
Tuy nhiên, nhiều tháng nay, khu vực dưới chân cầu Giao Thuỷ bất ngờ "nằm im" với các bến thuỷ nội địa đột ngột dừng hoạt động khai thác, vận chuyển cát khiến nhiều người dân, doanh nghiệp không biết chuyện gì đang xảy ra.
Bà T.T.P (ngụ đường 609B, xã Đại An), cho biết, từ khi các bến bãi ngưng hoạt động, đời sống người dân và môi trường qua khu vực này đã trở nên yên lành và đỡ phải "hưởng" bụi bặm từ quá trình xe tải ra vào đây để lấy cát đi tiêu thụ.
Các bến tập kết cát tại xã Đại An đang dừng hoạt động (Ảnh: V.Q) |
Theo người dân, việc các bến bãi ngưng hoạt động là điều khá bất ngờ, bởi hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhất là nhu cầu cát xây dựng của người dân và các dự án trên địa bàn tỉnh vẫn đang ngày càng tăng. Các mỏ lại bất ngờ dừng khai thác là điều khó hiểu.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đỗ Văn Hoà, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho rằng, trước thực trạng trên, các cấp chính quyền cần vào cuộc giải quyết để giúp cho hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn trở lại bình thường. Đặc biệt, giá cát xây dựng đang có xu hướng tăng cao như hiện nay.
"Từ đầu năm 2023, các điểm tập kết cát trên địa bàn đã bắt đầu dừng hoạt động. Những doanh nghiệp dừng hoạt động bất ngờ cũng không thông báo cho địa phương, khiến người dân cũng thấy lạ. Hiện nay, các điểm tập kết này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại hoặc thông báo cho địa phương nắm rõ", ông Hoà thông tin.
Hoạt động bến bãi tập kết cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang ngưng khiến giá cát sau dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: V.Q) |
Về công tác quản lý, giám sát và kiểm tra hoạt động bến bãi cát theo quy định, ông Hoà cho biết, địa phương vẫn đang phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng hoạt động khai thác, quản lý bến bãi gây bức xúc đến người dân và môi trường bị ảnh hưởng.
"Đến nay, các bến bãi trên địa bàn không có thông báo nghỉ hoặc hoạt động trở lại khiến người dân lo lắng, nhất là vấn đề cát xây dựng đang thiếu hụt và nhu cầu đang tăng cao. Hiện nay, các công trình đầu tư công, nông thôn mới trên địa bàn vẫn đang ở các bước thiết kế, chờ thẩm định và các bước tiếp theo nên nhu cầu cát của địa phương vẫn chưa cấp bách như nhiều nơi khác", ông Hoà cho hay.
Huyện Đại Lộc chỉ một mỏ cát hoạt động cầm chừng
Theo danh sách các giấy phép khai thác khoáng sản cát trắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 13/2/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có Công ty CP Kỹ nghệ Quảng Nam được cấp phép khai thác cát trắng tại huyện Thăng Bình. Thời hạn cấp phép đến năm 2025, với trữ lượng khai thác 180.000m3/năm.
Cũng tính đến ngày 13/2/2023, trên địa bàn đang có 13 đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép hoạt động khai thác cát, sỏi và được tiếp tục gia hạn theo quy định hiện hành.
Theo đó, tại địa bàn huyện Tiên Phước có 3 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi và cuội là Công ty TNHH MTV Tân Tiên; Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến và Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long.
Mỏ cát, sỏi của Công ty Trường Lợi cũng đang ngừng hoạt động |
Nhiều phương tiện khai thác cát nằm ngổn ngang bên bờ Vu Gia (Ảnh: V.Q) |
Tại huyện Nam Trà My, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bắc Nam Trà được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi có thời hạn đến tháng 3/2023. Tại huyện Hiệp Đức, Công ty Tấn Lợi Minh được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi, cuội có thời hạn đến năm 2027, trữ lượng khai thác 7.000m3/năm.
Riêng huyện Đại Lộc có đến 3 khu vực được cấp phép cho 3 đơn vị để khai thác cát, sỏi gồm: Công ty Quang Cử tại xã Đại Hoà; Công ty CP Trường Lợi tại xã Đại Hồng và Công ty TNHH Đầu tư TM Pha Lê tại xã Đại Sơn.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, mặc dù tại Đại Lộc có đến 3 mỏ được cấp phép nhưng đến nay chỉ có mỏ của Công ty Pha Lê đang khai thác nhưng ở mức độ cầm chừng trong vài ngày qua.
Tại xã Đại Hồng, hoạt động khai thác của Công ty Trường Lợi đã "đóng cửa" nhiều tháng qua. Cảnh khai thác, hoạt động vận chuyển tấp nập trước đây đã không còn khiến người dân cũng khá bất ngờ. Tại khu vực hai bên cầu bắt qua sông Vu Gia cũng không còn cảnh xe tải ồ ạt vận chuyển cát qua lại như trước đây.
Đôn đốc mỏ cát hoạt động, đảm bảo nguồn cung cho thị trường
Trước thực trạng nhiều mỏ được cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa khai thác, để đảm bảo nguồn cát xây dựng cho thị trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc cho biết, UBND huyện đã có văn bản số 570 ngày 21/2/2023 về việc đôn đốc các mỏ hoạt động trở lại.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, trong năm 2023, trữ lượng khai thác trên địa bàn huyện là khoảng hơn 50.000m3 cát, sỏi nhằm phục vụ hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.
Đối với mỏ của Công ty Pha Lê, đơn vị đã đề nghị hoạt động trở lại từ ngày 22/2. Riêng mỏ của Công ty Quang Cử tại xã Đại Hoà, do mới được cấp phép nên đơn vị này đang hoàn thiện hạ tầng để đi vào khai thác trong thời gian tới.
"Đây là mỏ được chủ trương cho phép cấp phép từ trước, không qua đấu giá nhằm khai thác cát, sỏi phục vụ nhu cầu thị trường trên địa bàn", đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, cho biết.
Hàng loạt ghe vận chuyển cát nằm "đắp chiếu" bên bờ Giao Thuỷ do hoạt động khai thác cát tại Đại Lộc bất ngờ tạm ngưng (Ảnh: V.Q) |
Cũng theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, hiện nay, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra, quản lý quá trình khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn, qua đó góp phần ổn định việc khai thác, vận chuyển khoáng sản cát, sỏi qua địa bàn.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, đơn vị đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, đôn đốc hoạt động khoáng sản, trong đó có cát, sỏi được cấp phép khai thác trên địa bàn.
Khi được hỏi, tình trạng thiếu hụt cát, sỏi trên địa bàn như hiện nay có ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công trên địa bàn hay không, đại diện Ban Quản lý dự án huyện Đại Lộc cho biết đơn vị vẫn đang kiểm soát được tình hình giá cả thị trường cát, sỏi.
Theo đó, hiện nay, các dự án trên địa bàn do chủ yếu sử dụng bê tông tươi để thi công, nên chưa phụ thuộc vào việc thiếu hụt cát xây dựng như một số khu vực khác.