Quảng Nam: Khắc khoải cảnh giải tỏa, đền bù dự án ven sông Cổ Cò
Các dự án phân lô đi qua vùng cát Điện Dương đã hơn cả thập kỹ nhưng người dân vẫn tiếc nuối với diện tích đất đai bị bỏ hoang (Ảnh: V.Q) |
Các hộ dân sinh sống tại khối Hà Quảng Bắc, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã quá đỗi quen thuộc với cảnh "đi đi về về" không biết mệt mỏi của các trường hợp ở tận quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) từng về mua đất đầu tư hạ tầng cách đây đã ngót 15 năm.
Do chưa được các cấp đền bù thỏa đáng nên người dân địa phương tại khu vực này đến nay vẫn còn may mắn khi ngày ngày được nhìn thấy nổng cát rộng cả mấy hecta dẫn xuống bờ sông Cổ Cò chưa bị doanh nghiệp san ủi để hoàn thiện hạ tầng.
Tài sản bị bỏ hoang cạnh dự án phân lô
Những ngày cuối tháng 7/2022, phóng viên được ông Huỳnh Văn Đại (ngụ tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) dẫn trở lại vùng nổng cát nhìn ra sông Cổ Cò, cạnh dự án xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân Điện Dương - Điện Ngọc tại khối Hà Quảng Bắc.
Dẫn vào căn nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất hơn 100m2 đất đã mua từ các hộ dân địa phương, ông Đại không khỏi xót xa khi khu vực này đã hoang tàn và bị "bỏ rơi" suốt nhiều năm do công tác đền bù, giải tỏa vẫn "giậm chân tại chỗ" một cách khó hiểu.
Con đường đất mà ông Đại và người dân vốn đi vào khu này trước đây, nay đã bị "chia năm xẻ bảy" do bị các dự án san ủi để lấy mặt bằng. Cách đó không xa là dự án khu TĐC làng chài ven biển, kết hợp công viên biển và khu dịch vụ bãi tắm công cộng vẫn chưa biết ngày hoàn thành.
"Dự án này trước đây vốn do Công ty TNHH Hoàng Tiên triển khai thi công từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật do vướng giải tỏa từ chính diện tích đất của 27 trường hợp, trong đó có diện tích đất của gia đình.
Gia đình đã bỏ công sức, tiền bạc để mua đất, hoàn thiện việc xây dựng công trình nhưng vẫn chưa được các cấp giải quyết thỏa đáng, trong khi sức khỏe của bản thân ngày càng đi xuống nên không thể ra vô mãi được", ông Đại lo lắng.
Đất chưa đền bù nhưng đã bị doanh nghiệp san ủi làm dự án (Ảnh: V.Q) |
Qua theo dõi hồ sơ và nguồn gốc các thửa đất tại địa phương trước đây thì được biết những hộ dân này từ Đà Nẵng vào đây mua đất và được người địa phương chuyển nhượng vào các năm 2007 - 2010. Thủ tục sang nhượng đất đã được cán bộ thôn và UBND xã Điện Dương (nay là phường Điện Dương) có ký xác nhận, kèm địa chỉ các thửa đất nhận chuyển nhượng.
"Sau khi nhận sang nhượng thì tất cả chúng tôi đều đã xây dựng bờ bao làm ranh giới, mốc giới với những thửa đất liền kề và cũng có nhiều người xây dựng nhà để ở. Từ khi nhận chuyển nhượng đất cho đến nay, chúng tôi sử dụng ổn định, không có ai tranh chấp hay khiếu nại gì.
Đến năm 2017, chính quyền Điện Bàn ra quyết định thu hồi đất để làm dự án khu TĐC làng chài ven biển, kết hợp công viên biển và khu dịch vụ bãi tắm công cộng tại phường Điện Dương.
Tuy nhiên, việc thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn chưa thỏa đáng và chưa phù hợp với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với việc bồi thường", ông Đại phân trần.
Chờ đền bù thỏa đáng
Lật từng đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tại Quảng Nam, ông Đại cùng một số trường hợp gần như đã thuộc lòng tên tuổi, diện tích đất còn dang dở quá trình bồi thường suốt hơn 5 năm nay.
Đa phần, các hộ mua đất từ người dân địa phương đã xây dựng phần móng và nhà cửa để tránh bị tranh chấp. Tuy nhiên, qua thời gian, khu vực này dần dần bị "bỏ rơi" và bị "cô lập" bởi xung quanh đều là dự án san sát hướng "mặt tiền" ra bờ sông Cổ Cò đang chờ khơi thông dòng chảy ra Đà Nẵng.
Giờ đây, mỗi lần đi qua khu vực gần 30 thửa đất, ông Đại cùng những người thân vẫn tiếc nuối khi bên dưới đổng cát là các dự án đã phân lô, hạ tầng đã hoàn thiện cùng hệ thống đường xá, chợ địa phương đã đi vào hoạt động từ lâu.
Người dân mua đất chuyển nhượng rồi "phân lô" từ những năm 2007 - 2010 (Ảnh: V.Q) |
Hỏi về lý do gia đình chưa đồng ý nhận bồi thường, ông Đại cho rằng các thửa nhận chuyển nhượng đều có giấy sang nhượng và được chính quyền địa phương ký xác nhận; Đều có ranh giới, mốc giới, được xây dựng nhà ở, sử dụng ổn định không có tranh chấp và cũng không bị xử phạt hành chính do xây dựng trái phép. Hơn nữa, nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng là của những hộ sinh sống tại địa phương đã khai hoang, sử dụng ổn định và có đủ điều kiện để cấp sổ đỏ.
"Chúng tôi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thời điểm UBND tỉnh Quảng Nam chưa có thông báo về thỏa thuận địa điểm xây dựng Khu TĐC làng chài ven biển và khu dịch vụ bãi tắm công cộng tại phường Điện Dương và Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu TĐC các dự án tại hai phường Điện Dương - Điện Ngọc.
Nhà dân bỏ hoang cạnh dự án chưa được giải phóng mặt bằng do vướng giải tỏa (Ảnh: V.Q) |
Có thể thấy rằng các thửa đất mà chúng tôi nhận chuyển nhượng như đã nêu trên có đủ điều kiện để được bồi thường về đất, khi nhà nước thu hồi đất. Chúng tôi chỉ mong muốn cấp trên thu hồi đất thì nên cấp lại đất tại chỗ để đảm bảo quyền lợi về TĐC", ông Đại nói quả quyết rồi chỉ tay về phía ngôi nhà cấp 4 của gia đình đang bị "rừng" lưỡi long bủa vây.
Lo lắng của những hộ mua đất nhưng vẫn "dài cổ" chờ đền bù, giải quyết thỏa đáng diện tích bị thu hồi có lẽ sẽ là câu chuyện còn kéo dài trong nhiều năm đến.
Việc đòi quyền lợi như hộ ông Đại và câu chuyện giải tỏa, đền bù và TĐC tại các xã vùng cát của tỉnh Quảng Nam là điều chính đáng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và đơn vị liên quan để quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nhà nước được hài hòa, tránh thảm cảnh khiếu nại, khiếu kiện và tố cáo kéo dài nhưng không mang lại kết quả.
Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu TĐC các dự án tại phường Điện Dương - Điện Ngọc (phân khu I) do Công ty TNHH Hoàng Tiên làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích được UBND tỉnh phê duyệt hơn 19,2 hecta. Dự án đến nay đã cơ bản thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bố trí TĐC cùng hệ thống chợ Viêm Đông. Dự án đến nay đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ trên phần diện tích được giao. |