Quảng Nam: Hệ lụy từ những dự án làm "nửa vời" của chủ đầu tư
Hộ bà Đặng Thị Điền, ngụ tổ 2, khối Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, cầm sổ đỏ bị các cấp thu hồi gần hết diện tích để làm dự án (Ảnh: V.Q) |
Sau hơn cả chục năm bị thu hồi đất cho Công ty TNHH Chí Thành (Công ty Chí Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lấy đất để thi công dự án Khu đô thị (KĐT) số 11, đến nay hộ bà Đặng Thị Điền (71 tuổi, ngụ tổ 2, khối Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn không hiểu nổi cách làm dự án của chủ đầu tư và lãnh đạo Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (nay đã giải thể).
Những tồn đọng về thu hồi đất, tái định cư (TĐC) và làm dự án kiểu "nửa vời" như Công ty Chí Thành đang khiến cuộc sống người dân nơi đây đã và đang rơi vào cảnh khó khăn trăm bề.
Khu đô thị trên giấy?
Năm 2003 - 2006, hộ bà Điền bị nhà nước thu hồi toàn bộ 1.115m2 đất và tài sản trên đất ngay tại tỉnh lộ 603A (đường thôn 3, nay là khối Hà Dừa) để giao cho chủ đầu tư là Công ty Chí Thành làm dự án KĐT. Gia đình bà sau đó được chủ đầu tư bố trí 2 lô đất TĐC với diện tích 130m2/lô tại dự án, cách nhà cũ của bà Điền chỉ vài bước chân.
"Gia đình lo sợ bị cưỡng chế nên gói đồ đạc di dời vào dự án để xây nhà trên lô đất đã được bố trí TĐC. Vào đây, gia đình mới ngã ngửa khi biết mình là hộ duy nhất nhận đền bù đất ở và tiên phong trong việc nhận đất TĐC tại dự án", bà Điền cho biết.
Điều trớ trêu là dự án sau đó được chủ đầu tư dùng "chiêu" điều chỉnh quy hoạch cục bộ do không thể "bứng gốc" các hộ dân có đất nằm sát mặt đường tỉnh lộ 603A.
Đường vào dự án KĐT số 11, bên trái là diện tích nhà bà Điền bị bỏ hoang do điều chỉnh quy hoạch (Ảnh: V.Q) |
Đến năm 2011, chủ đầu tư thông báo cho bà Điền về việc thu hồi lại một trong 2 lô đất TĐC đã cấp bên trong dự án, và thông báo cấp lại 1 lô TĐC thay thế ngay trên diện tích nhà cửa và đất ở đã bị thu hồi trước đó với lý do "giảm thiệt thòi cho hộ ông Lĩnh" (con trai bà Điền).
"Trong khi các hộ dân bị thông báo thu hồi đất như hộ bà Điền vẫn ở chỗ cũ, tự chỉnh trang, thì diện tích đất và nhà cũ của gia đình đến nay vẫn là bãi đất hoang, nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ, cạnh con đường đất dẫn vào dự án", bà Điền nói.
Đất dự án KĐT số 11 được người dân tranh thủ trồng hoa cúc để tăng thu nhập do chủ đầu tư vẫn chưa được cấp sổ đỏ (Ảnh: V.Q) |
Thêm điều trớ trêu nữa xảy ra với gia đình Điền, khi diện tích đất ở còn lại trong sổ đỏ của gia đình còn hơn 200m2, hộ bà Điền muốn thực hiện thủ tục cắt sổ, tặng cho đứa con gái đã nhiều năm nay nhưng bị các cấp từ chối với lý do đất nằm trong dự án.
Vòng quanh mười mấy hecta đất đã "bán lúa non" nằm cạnh KĐT 7B mở rộng đang rào tôn và trường quốc tế Victorya cách đó không xa, phóng viên nhận thấy dự án KĐT số 11 vẫn chỉ là những bãi đất, cỏ dại mọc un tùm bị cắt ngang cắt dọc bởi hệ thống thoát nước chưa có nắp đậy, người dân đang tranh thủ trồng hoa. Tô điểm nổi bật cho dự án không gì ngoài 7 ngôi nhà có hàng hoa giấy thuộc diện TĐC, trong đó có hộ nhà bà Điền.
Dự án 7B mở rộng vẫn đang là một mớ ngổn ngang suốt nhiều năm qua (Ảnh: V.Q) |
Có thể thấy, tại các xã vùng cát gồm: Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam (nay đã lên phường), nơi mà mật độ dự án được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dày đặc, rồi tiến hành thực hiện việc thu hồi đất giao cho chủ đầu tư.
Nhưng sau nhiều năm, rất nhiều dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng, thủ tục pháp lý, trong khi đó chủ đầu tư đã phân lô bán thu tiền của khách hàng đến trên 90%.
Người dân cho rằng, đây là một khu đô thị được vẽ trên giấy, còn thực tế nó nhếch nhác, tiêu điều và để lại những hệ lụy hết sức nặng nề mà người dân trong vùng dự án, người mua đất nền tại các dự án này phải gánh chịu.
"Công ty Chí Thành, bà Phương bỏ chạy rồi. Tuy bỏ chạy nhưng bà ấy lâu lâu lại về đây thuê khách sạn và đi ô tô dạo quanh dự án này", một hộ dân có đất trong vùng dự án nói.
Dự án "tai tiếng" của Quảng Nam
Dự án KĐT số 11 rộng 17ha nằm tại khối Hà Dừa, phường Điện Ngọc. Dự án ban đầu được tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty XD và Phục vụ việc làm Thanh niên xung phong TP Đà Nẵng, để chờ lập thủ tục đầu tư vào năm 2003. Tiếp đó, dự án được UBND tỉnh giao cho Công ty Chí Thành sau khi đã có quyết định phê duyệt giá đất.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Chí Thành thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi đã ban hành Quyết định điều chỉnh mức thu tiền sử dụng đất tại KĐT số 11, là gần 19,2 tỷ đồng.
Đô thị mới Điện Nam - Điện Nam đang bị "xé nát" quy hoạch bởi các dự án phân lô (Ảnh: V.Q) |
Sau khi chủ đầu tư là Công ty Chí Thành không thể thanh toán được khoản nợ vay, dự án KĐT số 11 được quản lý bởi ngân hàng PVCombank, đến tháng 6/2018, ngân hàng PVCombank và Dana Homeland ký hợp đồng mua bán nợ (Công ty Chí Thành đã thế chấp sổ đỏ tạm của KĐT số 11 để vay tiền tại PVCombank).
Đầu năm 2019, Công ty Dana Homeland được ngân hàng này bàn giao tài sản là KĐT số 11 và trở thành nhà đầu tư mới trước khi hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính 12,6 tỷ đồng, cùng số tiền hơn 9 tỷ đồng do chậm nộp phạt. Hiện nay, chủ đầu tư mới của dự án KĐT số 11 hiện được cho là Công ty Dana Homeland.
Được biết, chính quyền và đơn vị liên quan đang hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để ra sổ cho Công ty Dana Homeland, sau khi đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và hạ tầng kỹ thuật. Theo UBND thị xã Điện Bàn, Công ty Chí Thành chỉ “sở hữu” diện tích còn lại khoảng hơn 3ha tại dự án KĐT số 11.
Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận được đơn của Công ty TNHH Chí Thành đề nghị ngăn chặn, không giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP ĐT&PT Dana Homeland đối với KĐT số 11.
Nội dung đơn của Công ty Chí Thành gửi UBND tỉnh vào ngày 10/7 khẳng định: KĐT số 11 do Công ty Chí Thành làm chủ đầu tư hợp pháp. Giám đốc công ty này khẳng định, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng phía Dana Homeland vẫn chưa thực hiện hoàn thành các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng, vi phạm nghiêm trọng điều khoản thanh toán tài chính cho Công ty Chí Thành theo cam kết.
Theo đó, Công ty Chí Thành chưa thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào liên quan đến KĐT số 11 đối với Dana Homeland. Do đó, hiện nay Công ty Chí Thành vẫn là chủ đầu tư của dự án này. Công ty Chí Thành cho rằng, việc Dana Homeland tự ý gửi công văn đến UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin cấp sổ đối với KĐT số 11 cho Dana Homeland là bất hợp pháp, cố ý làm sai và vi phạm pháp luật.
Ngày 3/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định hủy 185 sổ đỏ của Công ty Chí Thành đã cấp trước đó tại 2 dự án KĐT số 6 và KĐT số 11 do đơn vị này chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính như cam kết. Mặc dù 2 dự án chưa được chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng UBND tỉnh vẫn thực hiện việc ra sổ đỏ tạm (các sổ đỏ được cấp đều ghi nợ tiền sử dụng đất). Sau đó, Công ty Chí Thành mang thế chấp ngân hàng để vay tiền và mất khả năng trả nợ. Đến năm 2016, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm của Sở Tài nguyên và Môi trường thời điểm đó liên quan đến việc chưa chủ động, phối hợp, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về thủ tục giao đất và xử lý tiền nợ sử dụng đất của Công ty Chí Thành. Sở này sau đó đã tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời tham mưu UBND tỉnh trong việc thu hồi các sổ đỏ đã cấp không đúng trước đó cho Công ty Chí Thành. |