Quảng Nam: Mức khoán bảo vệ rừng thấp chưa thu hút được người dân tham gia
Mô hình trồng rừng gỗ lớn hướng tới xin cấp chứng chỉ rừng FSC (Ảnh: TTKN Quảng Nam) |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên, diện tích rừng tự nhiên phần lớn đã có chủ và được giao khoán đến hộ gia đình quản lý bảo vệ, tạo sinh kế cho người dân, nâng độ che phủ rừng của tỉnh tính đến cuối năm 2020 đạt 59,33%.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, diện tích trồng rừng mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 20.723,75 ha/25.313 ha, đạt 82% so với kế hoạch. Trong đó, trồng rừng sản xuất là 19.350 ha, đạt 83% so với kế hoạch; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 1.374 ha/2.023ha, đạt 67,91% so với kế hoạch.
Số liệu báo cáo cho thấy, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 150 nghìn ha rừng trồng sản xuất, hàng năm bình quân khai thác 12.000 ha - 18.000 ha chủ yếu là rừng keo, năng suất rừng bình quân đạt 72 - 83 m3/ha chủ yếu là sản phẩm cung ứng nguyên liệu băm dăm và gỗ nhỏ.
Hiện nay, với mức khoán bảo vệ rừng đối với các chương trình, dự án tại Quảng Nam trung bình 300.000 đồng/ha/năm được cho là còn thấp, nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mặc dù, địa phương đã thực hiện trợ giá giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng đạt mức 400.000 đồng/ha và tổ chức thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng mức khoán này vẫn còn tương đối thấp.
Ngoài ra, trồng rừng từ nguồn sách nhà nước trong những năm qua đạt tỷ lệ thấp là do suất đầu tư theo quy định chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha cho 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc. Với mức cho cho phí này không đảm bảo để thực hiện, vì quỹ đất phát triển trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hầu hết tập trung ở các vị trí xung yếu, địa hình hiểm trở, xa khu dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn…
Bên cạnh đó, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp chỉ mới được hình thành, nên việc vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn gặp nhiều khó khăn, bởi trồng rừng gỗ lớn phải mất từ 10 năm trở lên mới được thu hoạch, trong khi mức độ rủi ro cao do thiên tai gây ra. Trước đó, cơn bão số 9 năm 2020 cũng đã gây thiệt hại lớn đến diện tích rừng trồng tại Quảng Nam.
Rừng trồng sản xuất chủ yếu là các loài keo làm gỗ dăm nguyên liệu giấy (Ảnh: TTKN Quảng Nam) |
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2016 – 2020), thì chất lượng và năng suất rừng trồng của tỉnh còn hạn chế, cơ cấu giống các loại cây trồng rừng còn đơn điệu (các loài keo chiếm trên 90%), nên hiệu quả kinh tế và tính bền vững chưa cao. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa đáng kể.
Nội dung báo cáo cũng cho biết, việc giao đất lâm nghiệp cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiện nay còn chậm. Nhiều chủ rừng ở Quảng Nam chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn, ổn định sản xuất. Việc sử dụng đất lâu đời của người dân không phù hợp với quy hoạch gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thực hiện các chính sách về lâm nghiệp.
Ngoài ra, hạ tầng lâm nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi, đã dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư phát triển rừng gỗ lớn; các khâu trồng, tỉa thưa, khai thác, vận chuyển ra khỏi rừng phát sinh chi phí rất cao.