Quảng Nam muốn mở rộng Quốc lộ 14D theo hình thức đầu tư công
Nhiều tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuống cấp, chờ đầu tư mở rộng (Ảnh tư liệu) |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, về việc kiến nghị đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trước đó UBND tỉnh đã có Công văn số 4822 gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D. Công văn có nội dung kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang giao cho Cục Đường bộ Việt Nam chuẩn bị, đề xuất dự án sử dụng vốn vay nước ngoài để nâng cấp, cải tạo các quốc lộ kết nối với Lào tại Công văn số 751 năm 2022.
Do đó, một lần nữa, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) tại các Thông báo số 135, 165 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Trước đó, ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D.
Theo đó, UBND tỉnh kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chủ trương dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) tại các thông báo của Văn phòng Chính phủ để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D, nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
UBND tỉnh kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025), đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030), đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.