Quảng Nam: Nghiêm cấm khai thác khoáng sản cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu
Khai thác khoáng sản đá tại các mỏ đá thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: V.Q) |
Ngày 14/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Thông báo kết luận của ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp với các ngành và các đơn vị liên quan về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh, vừa qua đơn vị liên quan đã phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, UBND cấp huyện, cấp xã và các nội dung, yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với các đơn vị hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản, đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác, kinh doanh các loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có đất, đá, cát sỏi) còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, một số doanh nghiệp còn khai thác ngoài diện tích giấy phép được cấp; một số đơn vị khai thác không đạt hoặc vượt công suất giấy phép; khai thác xong chậm hoặc không thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định.
Một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị thực tế thanh toán; không niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ hoặc có nhưng bán hàng không đúng với giá niêm yết; có nơi còn có biểu hiện hành vi găm hàng, thao túng giá.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian đến, các đơn vị khai thác khoáng sản phải khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp; nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán (Ảnh: V.Q) |
Ngoài ra, việc vận hành và truyền dữ liệu kết nối từ các trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực mỏ và theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản qua hệ thống camera lắp đặt tại mỏ chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức.
Theo nội dung kết luận, hiện nay trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm. Tình hình vật liệu đất, cát sỏi phục vụ thi công các công trình đang khan hiếm; Nhiều nơi nguồn cung vật liệu không đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, theo ông Nguyễn Hồng Quang, UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phê duyệt 41 Danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.
Khai thác cát trên sông Vu Gia, huyện Đại Lộc (Ảnh: V.Q) |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian đến, các đơn vị khai thác khoáng sản phải khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp; nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán...
Đáng lưu ý, đơn vị nào trung bình 2 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp (không tính thời gian xây dựng cơ bản mỏ) thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ theo từng thời điểm; gửi thông báo giá niêm yết về UBND cấp huyện, cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát và bán đúng với giá niêm yết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, đầu ghi dữ liệu có dung lượng đủ lớn, truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng và kiểm tra, rà soát, có quy trình quản lý, vận hành thông suốt...