Quảng Nam: Những cây cầu và triển vọng phát triển vùng cát Điện Bàn
Cầu Thôn 3 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc giúp kết nối tỉnh lộ 603, tỉnh lộ 603B ra TP Đà Nẵng lẫn phố cổ Hội An (Ảnh: V.Q) |
Hơn 2 năm nay, với việc cây cầu Nguyễn Duy Hiệu nối đôi bờ sông Cổ Cò thuộc xã Cẩm Hà (TP Hội An) và phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chính thức đi vào hoạt động, tình hình giao thông và đời sống người dân nơi đây đã được cải thiện và phát triển đáng kể.
Từ cây cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Cầu Nguyễn Duy Hiệu là một trong số các công trình được UBND tỉnh Quảng Nam và đơn vị liên quan vào cuộc đầu tư, xây dựng ven sông Cổ Cò nối khu vực Hội An ra đến khu vực TP Đà Nẵng thuộc Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò dài hơn 19km.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc cầu Nguyễn Duy Hiệu đưa vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Quảng Nam và TP Đà Nẵng khi hai địa phương cùng sở hữu dòng sông Cổ Cò chảy qua.
Cây cầu hoàn thành sớm chính là nhờ sự đồng thuận của người dân để chủ đầu tư đẩy nhanh công tác thi công liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá đây là một trong những cây cầu đẹp nhất tỉnh Quảng Nam đến thời điểm hiện nay.
Cầu Nguyễn Duy Hiệu nối thị xã Điện Bàn với TP Hội An (Ảnh: V.Q) |
Cầu Nguyễn Duy Hiệu cùng hệ thống 2 đường dẫn có tổng mức đầu tư hơn 251 tỷ đồng có chiều dài hơn 242m nối thị xã Điện Bàn ở phía Đông và TP Hội An ở phía Tây sông Cổ Cò.
Cầu Nguyễn Duy Hiệu được thi công với khổ cầu 20,5m (phần xe chạy) cùng phần lề bộ hành, lan can rộng 2m. Cầu có kết cấu dầm cáp hỗn hợp, bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ.
Cách cây cầu Nguyễn Duy Hiệu gần 1km về phía Bắc, một dự án đầu tư, xây dựng cầu bắc qua dòng Cổ Cò thơ mộng cũng đang được tỉnh Quảng Nam khẩn trương thi công.
Tính đến giữa tháng 9/2024, dự án thi công cầu Nghĩa Tự (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) đang được đơn vị thi công triển khai khẩn trương các hạng mục nhằm dự kiến hợp long vào cuối năm 2024.
Cầu Nghĩa Tự đang được thi công khẩn trương tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Ảnh: V.Q) |
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án cầu Nghĩa Tự) cho biết hiện nay dự án đang được đẩy nhanh thi công bên cạnh việc hoàn thành các hạng mục về giải toả, tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Với tiến độ thi công dự án cùng quá trình triển khai các hạng mục về đất đai cũng như tái định cư cho các hộ dân đến thời điểm hiện nay, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết dự án dự kiến sẽ hoàn thiện vào khoảng cuối năm 2025.
Hiện nay, cầu Nghĩa Tự được thi công thuộc giai đoạn 1 có mặt cầu rộng 12,5m, đường dẫn dài 57m, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Còn dự án cầu Nghĩa Tự giai đoạn 2 cũng sẽ được thi công mặt cầu rộng 12,5m với tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng. Cầu Nghĩa Tự chính là dự án khớp nối giao thông vận tải, phát triển vùng Đông của thị xã Điện Bàn.
Đến cây cầu Cánh Chim Hạc hướng ra biển
Đi dọc sông Cổ Cò về hướng giáp TP Đà Nẵng, dự án xây dựng cầu Thôn 3 (cầu Cánh Chim Hạc) tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) cũng vừa được tỉnh Quảng Nam cho thông xe chính thức để phục vụ người dân, góp phần phát triển kinh tế.
Cầu Thôn 3 nằm tại lý trình Km18+900 thuộc trục đường Dũng Sĩ Điện Ngọc hướng ra bãi biển Viêm Đông có giá trị xây lắp 274 tỷ đồng.
Cầu Thôn 3 là cầu vòm thép đầu tiên được xây dựng tại Quảng Nam và là cầu vòm thép đầu tiên tại Việt Nam có vòm chủ xiên với góc 10º52 (không sử dụng hệ liên kết ngang). Hai vòm cầu có thiết kế hướng ra ngoài tạo hình cánh chim hạc đang bay.
Cầu Thôn 3 tại lý trình Km18+900 nằm trên trục đường Dũng Sĩ Điện Ngọc hướng ra bãi biển Viêm Đông có giá trị xây lắp 274 tỷ đồng (Ảnh: V.Q) |
Vòm chính kết cấu thép vượt nhịp dài 99 mét với tổng trọng lượng nặng hơn 1.000 tấn, gồm 26 đốt vòm tiết diện lõi hộp chịu lực dạng hình thang.
Kết cấu vòm và dầm chịu lực kết hợp thông qua hệ cáp treo, 2 mặt phẳng vòm có 38 bó cáp treo với thiết kế xe chạy giữa.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, cầu Thôn 3 sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giúp người dân được đi lại dễ dàng.
Dự án cũng sẽ góp phần thay đổi diện mạo dòng sông Cổ Cò từng bị bồi lấp như trước đây. Đồng thời góp phần kết nối các dự án bất động sản, nhà ở đô thị đã và đang được triển khai tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sau thời gian nằm im.
Cầu Văn Ly bắc qua sông Thu Bồn đang được thi công tại khu vực Gò Nổi, thị xã Điện Bàn (Ảnh: V.Q) |
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang đầu tư xây dựng cầu Văn Ly qua sông Thu Bồn. Dự kiến, dự án sau khi được đầu tư xây dựng sẽ giúp vùng Gò Nổi kết nối giao thông từ Điện Bàn qua huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên và TP Đà Nẵng tại tuyến tỉnh lộ 605.
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư 420 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam.
Dự án do Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương trúng thầu, tổ chức thi công theo thời gian hợp đồng là 900 ngày. Dự án dự kiến thi công hoàn thành vào tháng 4/2026 hoặc vào quý IV/2025 nếu dự án thi công vượt tiến độ được giao.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án sau khi nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò sẽ kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông. Hơn nữa, việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo thêm giao thông đường thuỷ, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại, giảm tải cho đường bộ. Ngoài ra, dự án sẽ tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông Điện Bàn và Hội An, tạo động lực phát triển đô thị 2 bên dòng sông và khu vực. Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông. |