Quảng Nam: Thi hành án hành chính bị kéo dài do chưa có sự thống nhất trong thi hành
Tại Quảng Nam một số trường hợp thi hành án kéo dài do chưa có sự thông nhất trong thi hành |
Ngày 7/10/2021, UBND tỉnh Quảng Nam có Báo cáo về tình hình, kết quả thi hành án hành chính năm 2021. Theo đó, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành trong kỳ báo cáo của địa phương là 36 vụ. Trong đó, số từ năm trước chuyển sang 27 vụ, số phát sinh trong kỳ báo cáo 9 vụ, số thi hành xong 21 vụ, số chưa thi hành xong là 15 vụ.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, hạn chế. Một số đơn vị phải thi hành án hành chính nhưng chưa nắm kỹ quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nên việc tự nguyện thi hành án còn chậm, một số trường hợp thi hành án kéo dài.
Nguyên nhân của những tồn tại được UBND tỉnh Quảng Nam xác định là một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính là bên phải thi hành án còn chậm trễ trong việc thi hành án hành chính. Một số vụ việc có quan điểm, ý kiến khác nhau về cách thức, nội dung thi hành.
Bên cạnh đó, hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến đất đai, có tính chất hết sức phức tạp, bởi các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai còn chồng chéo và thường xuyên thay đổi.
Việc xác định đất Thổ cư có phải là đất ở hay không vẫn chưa có sự thống nhất (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa cụ thể, chưa rõ ràng, chỉ buộc cơ quan hành chính thực hiện các nội dung như: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định lại diện tích đất ở, thực hiện nhiệm vụ, công vụ,… theo quy định của pháp luật. Nhưng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật thì không thể thực hiện nội dung mà tòa án đã tuyên, dẫn đến tình trạng kéo dài việc thi hành án do không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành án.
Đặc biệt, đối với các vụ án hành chính liên quan đến việc xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi gộp loại đất là Thổ cư, “T”, đất ở và vườn (cấp theo Nghị định số 64/CP) sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Nhưng khi xét xử vụ án, Tòa án quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện, buộc các cơ quan có thẩm quyền phải xác định toàn bộ diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi loại đất Thổ cư, “T”, đất ở và vườn là đất ở. Trong khi đó, căn cứ theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật có liên quan thì việc công nhận như vậy là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý nên các cơ quan hành chính gặp khó khăn trong việc thi hành đối với các vụ án này.
Luật sư Mai Thọ |
Trái ngược với quan điểm trên của UBND tỉnh Quảng Nam, Luật sư Mai Thọ, Công ty Luật TNHH MTV Việt Long (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai: loại giấy tờ làm căn cứ xác định diện tích đất ở theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai là giấy tờ có thể hiện một hoặc nhiều mục đích nhưng trong đó có mục đích để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư.
“Quyết định số 56-ĐKTK ngày 6/11/1981 của Tổng Cục quản lý ruộng đất, xác định loại đất có ký hiệu chữ T của bảng tổng hợp thống kê ruộng đất ban hành kèm theo Quyết định này được xác định là đất khu vực thổ cư – đất xây dựng trong các khu dân cư thành thị và nông thôn, trừ thổ canh, ao hồ, đường đi lại trong thôn xóm đã đo đạc tách ra, bao gồm: đất ở và đất xây dựng phục vụ lợi ích toàn dân.
Nội dung này cũng được đề cập tại Công văn số 1555/BTNMT – TCQLĐĐ ngày 25/3/2020 của Bộ Tài nguyên và môi trường V/v giải quyết vướng mắc đối với pháp luật về đất đai. Như vậy, đủ căn cứ để xác định “thổ cư hay đất có ký kiệu chữ “T” đã đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg là đất ở”, Luật sư Mai Thọ viện dẫn.
Cơ sở pháp lý để xác định lại diện tích đất ở Căn cứ khoản 2 Điều 103 Luật đất đai và khoản 1 Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định: “Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó”. Tại khoản 5 Điều 24 Nghị định 43/2014 quy định về việc xác định lại diện tích đất ở đối với thửa đất đã được cấp GCNQDĐ: Diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 1/7/2014 được xác định như sau: Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này nhưng diện tích đất ở chưa được xác định theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai, Khoản 3 Điều này và chưa được xác định lại theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003, nay người sử dụng đất có đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở hoặc khi Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này; hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích đã được xác định lại là đất ở.
|