Quảng Nam: Xây dựng công trình khẩn cấp trên sông Vu Gia để điều tiết nước về hạ du
Một đoạn sông Vu Gia, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) |
Việc xây dựng công trình khẩn cấp đập tạm trên sông Vu Gia nhằm kịp thời cải thiện nguồn nước về hạ du, đảm bảo cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng.
Công trình được thực hiện tại khu vực xã Đại Cường và thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Vị trí đắp đập trên sông Vu Gia, đoạn đầu cửa vào sông Quảng Huế, cách trạm bơm Ái Nghĩa khoảng 200m. UBND tỉnh Quảng Nam giao Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam thực hiện xây dựng công trình này.
Tổng kinh phí thực hiện công trình khoảng 1,2 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh dự toán năm 2021; Thời gian xây dựng công trình là 10 ngày kể từ ngày ký quyết định.
Theo đó, giải pháp kỹ thuật của công trình sẽ đắp đập tạm bằng bao tải cát; vật liệu cát được lấy từ nguồn tại chỗ; Chiều dài đập khoảng 180m, chiều rộng mặt đập 2m; Mái đập được gia cố bằng cọc cừ cây bạch đàn kết hợp lưới thép để bảo vệ đập, phun cát gia cố bảo vệ thân đập để chống lật.
Việc xây dựng công trình khẩn cấp đập tạm hướng dòng trên sông Vu Gia, bảo đảm nguồn nước về hạ du |
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam chịu trách nhiệm, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định về xây dựng công trình khẩn cấp để tổ chức thực hiện.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, gia cố bổ sung và bảo dưỡng công trình sau thi công, đảm bảo ổn định đến hết thời gian sử dụng; chủ động tháo dỡ đập tạm trước mùa mưa lũ năm 2021 để tăng khả năng tiêu thoát lũ và hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, báo cáo UBND tỉnh theo dõi.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND huyện Đại Lộc, phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam trong việc sử dụng vật liệu cát tại chỗ, cũng như theo dõi, quản lý việc sử dụng nguồn cát tại chỗ trong quá trình thực hiện xây dựng công trình theo quy định.