Quảng Ninh: Hơn 36 giờ dốc sức tìm kiếm nạn nhân trên máy bay VN-8560
Chiều tối 5/4, máy bay trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) mất tích khi đang thực hiện chuyến bay chở khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
Lúc này trên máy bay có tổng cộng 5 người gồm đại tá Chu Quang Minh (59 tuổi), phi công điều khiển máy bay, trú tại quận Long Biên, Hà Nội và 4 hành khách đều ở Đà Nẵng.
Mảnh vỡ của máy bay VN-8650 trôi dạt gần vị trí gặp nạn và được ngư dân vớt lên |
Theo trung tâm kiểm soát báo về, chiếc máy bay cất cánh lúc 16h56 và mất tín hiệu sau 19 phút bay. Tín hiệu cuối cùng của máy bay truyền về khi đang ở khu vực giáp ranh giữa vùng biển vịnh Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng).
Hơn 36 giờ tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích trên máy bay VN-8650
Nhận được tin báo về trực thăng gặp nạn cũng như xác định được vị trí máy bay VN-8650 bị rơi thông qua các mảnh vỡ trôi dạt trên vùng biển của TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh huy động tổng lực lượng, triển khai ngay mọi phương án, phối hợp với các lực lượng chức năng xuyên đêm dốc sức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ngay lập tức cử ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh trực tiếp có mặt tại hiện trường, phối hợp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
Để hiệp đồng các lực lượng cứu hộ gồm Công an, Quân đội, Biên phòng, Công an tỉnh, các lực lượng của TP Hạ Long và Ban quản lý vịnh Hạ Long, Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh có mặt trực tiếp, chỉ huy các lực lượng phối hợp cùng TP Hải Phòng và các lực lượng Trung ương triển khai tìm kiếm tung tích các nạn nhân bị mất tích.
Phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” trong tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và các phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển được áp dụng nhanh, linh hoạt vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Đến 19h18, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cùng một số mảnh vỡ của máy bay bị nạn.
Ngay trong đêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác có mặt tại Hải Phòng và lên tàu SAR 411 của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để ra tận hiện trường chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, ngay trong đêm 5/4, rạng sáng 6/4, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh tiếp tục huy động tổng lực phương tiện, trang thiết bị, nhân lực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trực tiếp đi trên tàu cứu hộ để ra hiện trường. |
Thời điểm này, tại hiện trường, tổng số lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm cứu nạn là hơn 200 người và hơn 30 phương tiện. Trong đó, lực lượng của tỉnh Quảng Ninh giữ vai trò nòng cốt với 17 phương tiện tàu, xuồng và hơn 100 CBCS các lực lượng.
Công tác tìm kiếm cứu nạn được triển khai hết sức khẩn trương và trách nhiệm, bất chấp khó khăn về điều kiện thời tiết, thời gian đêm tối và địa hình mặt biển, núi đá phức tạp… Với quyết tâm cao và sự chủ động, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều phương án.
Đến 1h sáng 6/4, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm thấy thêm thi thể nạn nhân thứ 3, được xác định là Đại tá Chu Quang Minh, phi công điều khiển máy bay.
Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ông Bùi Văn Khắng, cho biết công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tai nạn hàng không, lại xảy ra ở vùng biển có xen lẫn địa hình núi đá phức tạp, vào thời điểm đêm tối nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, các lực lượng chức năng đã vượt qua mọi khó khăn, dốc sức phối hợp, xuyên đêm triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh huy động toàn bộ lực lượng để tiìm kiếm các nạn nhân mất tích |
“Mục tiêu cao nhất tỉnh Quảng Ninh đặt ra là nhanh chóng tìm kiếm, cứu nạn được tất cả các nạn nhân trong vụ tai nạn…”, ông Khắng chia sẻ từ hiện trường tìm kiếm.
Đến sáng 6/4, khi công tác tìm kiếm cứu nạn chưa có thêm tiến triển, không loại trừ nguy cơ thi thể nạn nhân mắc kẹt tại khu vực núi đá có địa hình phức tạp, các lực lượng chức năng tiếp tục huy động tăng cường trang thiết bị, nhân lực hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Lực lượng cứu hộ sử dụng thiết bị bay không người lái tổ chức tìm kiếm từ trên cao, rà soát toàn bộ các đỉnh núi và mặt nước trên phạm vi rộng khoảng 2km xung quanh địa điểm máy bay gặp nạn.
9h30 ngày 6/4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thêm thi thể nạn nhân thứ 4. Lúc này, lực lượng cứu hộ của Trung ương, hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh đã lên đến gần 600 người và hơn 31 tàu, thuyền, xuồng cao tốc khẩn trương tìm kiếm.
Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết với các trang thiết bị, phương tiện hiện đại và nhân lực đông, tinh nhuệ của các lực lượng, trong đó giữ vai trò chủ chốt là các lực lượng của tỉnh Quảng Ninh, công tác tìm kiếm cứu nạn đã đạt được kết quả tích cực trong thời gian ngắn, không để khó khăn về thời tiết, địa hình hay các quy luật sinh học làm chậm thời điểm tìm thấy các nạn nhân...
Công tác tìm kiếm người mất tích được triển khai song song với tìm phương án trục vớt xác máy bay đang nằm dưới biển. Đến chiều 6/4, xác máy bay trong đó có hộp đen được trục vớt thành công và đưa lên tàu hải quân. Công tác khám nghiệm, điều tra ban đầu từ những mảnh vỡ máy bay được tiến hành.
Xác máy bay VN-8650 cùng hộp đen bên trong được trục vớt lên tàu hải quân để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố |
Đến 8h ngày 7/4, sau hơn 36 giờ đồng hồ liên tục nỗ lực, trách nhiệm tìm kiếm không ngừng nghỉ, toàn bộ thi thể 5 nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay trực thăng thương tâm trên vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, Hải Phòng, đã được tìm thấy.
Chia sẻ nỗi đau cùng thân nhân người bị nạn
Song song với các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, ngay trong đêm 5/4, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện lãnh đạo Bộ CHQS, Sở LĐ-TB&XH, Sở Du lịch, TP Hạ Long và một số cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã có mặt và túc trực cả đêm tại Bệnh viện Bãi Cháy. Đây là nơi thân nhân người bị nạn đang được chăm sóc để thăm hỏi, động viên, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự sẻ chia của tỉnh với gia đình người bị nạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các bên liên quan chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản, phương án để triển khai các công việc tiếp theo chăm lo cho người bị nạn thật chu toàn; Phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo mọi điều kiện cho thân nhân các nạn nhân với tình cảm và trách nhiệm cao nhất...
Cùng với việc luôn túc trực bên cạnh thân nhân người bị nạn, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân, lên phương án khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn và thực hiện chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định.
Tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ bước đầu 20 triệu đồng/người bị nạn. TP Hạ Long cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/người bị nạn; Hội Chữ thập đỏ TP Hạ Long hỗ trợ 1 triệu đồng/người bị nạn.
Thi thể các nạn nhân trong vụ máy bay rơi được đưa về nhà tang lễ TP Hạ Long thuộc Bệnh viện Bãi Cháy để lưu giữ và nhận dạng |
Các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố cũng đã giải quyết chu đáo toàn bộ thủ tục pháp lý cho người bị nạn; Phối hợp, thống nhất phương án hỗ trợ gia đình đưa người bị nạn về Đà Nẵng lo hậu sự...
Tuy điều kỳ diệu đã không xuất hiện nhưng nhờ sự nỗ lực, trách nhiệm, nghĩa tình của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn nói chung, cùng sự hỗ trợ hết sức tận tình, kịp thời, hữu ích của những ngư dân hoạt động trên vùng biển Hạ Long, Cát Bà, thân nhân người bị nạn đã phần nào yên lòng khi người thân được đưa về với gia đình để lo chu toàn hậu sự, nỗi đau mất người thân sẽ không còn day dứt dưới đáy biển sâu…