Quảng Ninh nỗ lực khôi phục sau bão số 3
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị. |
Theo thống kê, tỉnh có 25 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương. Các cơ sở hạ tầng về điện, viễn thông, đô thị, kết cấu khu công nghiệp cũng thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 100.000 nhà dân bị tốc mái, hơn 200 nhà bị đổ sập, nhiều nhà dân bị ngập.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề: Hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại, có 7.500 ha lúa bị đổ ngập, hơn 400.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi, 90.000 ha rừng bị thiệt hại.
Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay của Quảng Ninh là 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc.
Về khắc phục, Quảng Ninh đã tập trung vào tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; huy động sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức để hỗ trợ người dân thu dọn, vệ sinh môi trường. Đến nay đã cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt ở vùng biển; trục vớt 165 phương tiện tàu thuyền bị đắm chìm, trong đó có nhiều tàu nuôi cá, tàu vận tải…
Sau bão 99% mạng phụ tải điện bị mất điện, hạ tầng mạng viễn thông hư hại nặng nề. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty viễn thông, đến nay 70% phụ tải có điện, gần 100% hạ tầng viễn thông được khôi phục lại.
Hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh rất nghiêm trọng |
Song song việc khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh cũng đã khôi phục lại kinh tế-xã hội. Hiện nay, 100% cơ sở ngành than, tất cả các khu công nghiệp, nhà máy cũng đã hoạt động lại.
Lĩnh vực du lịch đã hoạt động trở lại. Quảng Ninh đã đón được gần 10.000 khách, trong đó có 7.000 khách quốc tế. Hoạt động xuất khẩu đã hoạt động trở lại từ ngày 9/9, với kim ngạch xuất khẩu đạt 75,6 triệu USD.
Tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế. Dự báo, năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, GDP của Quảng Ninh sẽ giảm khoảng 0,5-0,6% nhưng tỉnh cam kết sẽ điều hành, điều chỉnh kinh tế để làm sao năm 2024 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2 con số.
Việc cần làm hiện nay là tỉnh tiếp tục thống kế toàn bộ số lượng thiệt hại để hỗ trợ người dân; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh Quảng Ninh, tập trung vào đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ học phí, bổ sung kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân, sửa chữa nhà ở, đặc biệt hỗ trợ trục vớt các phương tiện.
Để ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, Quảng Ninh kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản; bổ sung thêm ngành du lịch, dịch vụ, thương mại dịch vụ, công nghiệp về khoanh nợ, giãn nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần có chính sách giảm lãi suất, được vay vốn với các hộ nuôi trồng thủy sản và trồng rừng để khôi phục sản xuất; đề nghị tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp nông trường, trồng rừng để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng…