Quảng Trị: Bổ sung quy hoạch cảng chuyên dùng LNG 90.000 tấn
Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 (Ảnh: T&T Group) |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Cục Hàng hải Việt Nam, liên danh các nhà đầu tư: Tập đoàn T&T (Việt Nam) và 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm HEC, KOGAS và KOSPO về việc chấp thuận bổ sung quy hoạch bến cảng chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng và đê chắn sóng phục vụ nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu bến Mỹ Thủy được quy hoạch phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Thái Lan.
Trong đó, khu có bến tổng hợp, container, hàng rời cho tàu đến 100.000 tấn, hàng lỏng/khí (phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trị phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực) cho tàu đến 150.000 tấn, phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ (đặc biệt là luồng hàng hải, đê chắn sóng, ngăn cát).
Về quy hoạch chuyên ngành công thương, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện VII, tiến độ vận hành năm 2026 - 2027. Dự án có trong danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 và thuộc danh mục các chương trình, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Do đó, đề xuất bổ sung bến chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến 90.000 tấn và đê chắn sóng tại khu bến Mỹ Thủy phù hợp với quy hoạch cảng biển được duyệt và phù hợp với quy hoạch chuyên ngành công thương.
Để có cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư hạ tầng cảng biển chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng - giai đoạn 1, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung bến cảng chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến 90.000 tấn và đê chắn sóng (thuộc khu bến Mỹ Thủy, cảng biển Quảng Trị) vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, ngày 15/1/2022, Tập đoàn T&T và tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1, công suất 1.500MW, với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay, dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại xã Hải An và xã Hải Ba của huyện Hải Lăng.