Quảng Trị: Nước sông Sa Lung ô nhiễm, người nuôi trồng thủy sản kêu cứu
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô làm việc với đại diện các hộ dân có đơn kêu cứu về việc nguồn nước sông Sa Lung bị ô nhiễm |
Theo đơn kêu cứu của người dân huyện Vĩnh Linh, nguồn nước sông Sa Lung đang bị ô nhiễm nặng nề, thường xuyên bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống và canh tác tôm của người dân.
Ông Trần Văn Lưu (đại diện gần 200 hộ nuôi tôm thuộc hợp tác xã (HTX) Phan Hiền) xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, bức xúc cho biết: “Trong thời gian từ ngày 15/3/2023, các thành viên nuôi trồng thủy sản trên toàn huyện Vĩnh Linh triển khai bơm nước theo kế hoạch chung.
Trong quá trình bơm nước từ nhánh sông Sa Lung vào hồ nuôi tôm, các hộ phát hiện nước sông có màu xanh đen, bốc mùi hôi thối.
Sau khi thả giống từ 10 đến 20 ngày thì tôm chết hàng loạt. Nhiều vùng bị mất trắng toàn bộ. Tổng diện tích tôm nuôi bị chết chỉ tính riêng xã Vĩnh Sơn đã là 162ha, thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng”.
Người dân nuôi tôm thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, phản ánh việc nước sông Sa Lung ô nhiễm không thể sản xuất (Ảnh: Hồng Quảng) |
Hồ nuôi tôm của người dân tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, không sản xuất được vì nguồn nước bị ô nhiễm (Ảnh: Hồng Quảng) |
Cùng cảnh ngộ, ông Lê Minh Dục, ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (đại diện HTX Hiền Thành) cho biết: “Nhìn tình hình thực tế và kinh nghiệm nuôi tôm, chúng tôi nghi ngờ rằng tôm chết hàng loạt sau 10 đến 20 ngày tuổi là do nước sông bị ô nhiễm hóa chất từ các nhà máy trên khu vực xã Vĩnh Long xả thải”.
Để ghi nhận theo phản ánh của người dân, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhiều ngày thực tế tại các hồ nuôi tôm của người dân và sông Sa Lung đoạn qua các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành và Vĩnh Long...
Qua ghi nhận cho thấy, hầu hết các hồ nuôi tôm của người dân đã bỏ khô không sản xuất do nguồn nước ô nhiễm. Hiện nước sông Sa Lung có màu vàng bốc mùi hôi, nhiều điểm có váng đóng thành vệt dài trên mặt sông.
Nguồn nước trên sông Sa Lung có màu vàng và bốc mùi hôi (Ảnh: Hồng Quảng) |
Trao đổi với phóng viên, một ngư dân chuyên làm nghề đánh lưới trên sông Sa Lung cho biết: “Tôi đã làm nghề lưới cá trên sông Sa Lung đã nhiều năm. Thời gian gần đây cứ tầm 10 ngày, nửa tháng cá tôm lại bỗng dưng chết hàng loạt. Nước sông có mùi hôi tanh nồng nặc rất khó chịu".
Ngư dân này nghi ngờ rằng, nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm là do nước thải của một số nhà máy phía trên xã Vĩnh Long đổ về. Trước đây, nước sông rất xanh, trong, tôm cá nhiều, còn giờ thì bị ô nhiễm nặng, người dân sinh sống hai bên bờ không dám dùng nước sông để sinh hoạt.
Được biết trước đó, kết quả phân tích các mẫu nước của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị) xác định 2 mẫu nước lấy trên sông chính Sa Lung có các thông số nằm trong giới hạn B1 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).
Tuy nhiên, 3 mẫu nước còn lại có các thông số vượt gấp nhiều lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ.
Tại một số điểm, nước sông Sa Lung bị đóng váng dầu thành những vệt dài (Ảnh: Hồng Quảng) |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản số 3251/UBND-TCD về việc kiểm tra, xử lý nội dung kiến nghị của các hộ dân nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.
Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Linh kiểm tra, báo cáo kết quả trước ngày 20/7/2023.