Quất cảnh độc, lạ hút khách
Độc đáo với quất bonsai thế gà
Từ xa xưa, tục chơi quất cảnh, đào, mai đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán. Nhiều người còn đùa nhau rằng: “Nếu không có cây quất, cây đào trong nhà là coi như chưa có Tết”. Xuất phát từ nhu cầu thực tế ấy mà Hà Nội và các tỉnh lân cận đã hình thành lên nhiều vùng chuyên canh trồng đào, quất, cam, quýt cảnh để phục vụ người dân mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh chơi Tết từ bao đời nay chính là Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội). Cứ mỗi dịp Tết đến, người dân Tứ Liên lại bận rộn trồng, chăm sóc và đưa ra thị trường nhiều thế quất, chủng loại quất độc đáo, công phu, thu hút khách Thủ đô.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Mạnh chăm chút cho những cây quất bonsai
Nói về nghề trồng quất cảnh ở Tứ Liên, nghệ nhân Nguyễn Thế Mạnh – (người đầu tiên đưa quất bonsai về trồng và đã có nhiều thành công ở đây), cho biết: “Quất bonsai mới được trồng khoảng vài năm trở lại đây nhưng năm nay mới thực sự trở thành xu thế. Những cây quất với kiểu dáng độc, lạ chỉ có chiều cao khiêm tốn từ 20-50cm nhưng giá trị kinh tế rất cao. Có cây quất chỉ độc đúng một cành uốn thế kèm vài ba chùm quả mà đạt giá vài triệu, đắt ngang cây cao 2m. Chơi quất bonsai đa dạng vì mỗi người một mắt nhìn khác nhau, có người cho chẳng thèm lấy nhưng có người “hét” bao nhiêu cũng mua”.
Theo ông Mạnh, để có chậu quất bonsai đưa ra thị trường tốn rất nhiều công chăm bón, cắt tỉa, thậm chí phải thức thâu đêm suốt sáng. Một cây quất đạt tứ quý bao gồm có đủ hoa, lá lộc, quả vàng, quả xanh và dáng thế người trồng quất phải có bí quyết riêng. Hơn nữa, việc trồng quất phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào ông trời thương, Tết đúng vụ thì người bán quất mừng. Năm nay, thời tiết “đỏng đảnh” nên nhiều gia đình khốn đốn vì quất Tết. Trồng quất bình thường đã khó, trồng quất bonsai lại càng khó hơn. Quất bonsai đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tiền bạc và công sức. Đơn giản nhất như việc tưới nước hàng ngày cũng khiến các chủ vườn đau đầu. Nếu như cây trồng trong đất sẽ dễ dàng quan sát được lượng nước cần tưới nhưng đối với quất bonsai trồng trong chậu thì khó lòng quan sát được đất ẩm hay khô, rễ có nhiễm bệnh hay không. Khi đó, người làm vườn chủ yếu nhìn trời, nhìn đất và dựa vào kinh nghiệm để áng chừng.
Tuy trồng khó khăn là vậy nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm nay, gia đình ông Mạnh đầu tư trồng trên 600 gốc quất lớn với hình dáng phong thủy khác nhau như: Thác đổ đón xuân, cá chép hóa rồng, anh em sum vầy, long phượng vần vũ, lưỡng long chầu nguyệt… Đặc biệt, năm nay ông Mạnh đã cho ra thị trường những cây quất bonsai dáng gà tiến Vua hoặc ngự trên lưng gà khá lạ và độc đáo, thể hiện sự sung túc, đầy đủ của gia chủ trong năm mới. Dựa vào thế cây, quất bonsai có giá dao động từ 500 nghìn đến 15 triệu đồng/ cây. Với những cây quất lâu năm, dáng thế đẹp, nghệ nhân Thế Mạnh chỉ cho thuê chứ không bán.
Theo nhận định của ông Mạnh, năm nay thị trường quất cảnh nhộn nhịp hơn mọi năm. Riêng tại vườn quất của gia đình ông, nhiều người đã đến vườn đặt mua từ đầu tháng 11 Dương lịch. Thậm chí, có khách hàng đã lấy về chưng trong nhà từ dịp Noel.
Quất Văn Giang đa dạng mẫu mã, kiểu dáng
Khác với các vườn quất ở Tứ Liên (Hà Nội), những vườn quất cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) không chỉ thiên về những dòng quất thế, bonsai mà người dân ở đây trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây quất với đủ các kiểu dáng đẹp mắt. Nhờ vậy mà thị trường quất Tết ở đây đến sớm hơn. Trên tuyến đường trục liên tỉnh nối Hà Nội với Hưng Yên, đoạn qua địa phận huyện Văn Giang, luôn tấp lập người qua lại, mua bán quất cảnh. Hai bên đường, những vườn quất chín vàng, điểm những bông hoa nhỏ xíu trắng tinh tỏa hương thơm ngát đang đợi những lái buôn đến mua và mang đi tiêu thụ trên khắp mọi miền đất nước. Ai ai cũng hối hả, tấp lập vội trao nhau nụ cười như báo hiệu vụ quất bội thu.
Có mặt tại vườn quất nhà anh Nguyễn Văn Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) vào chiều ngày 14/1, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán tấp nập. Cả vườn quất nhà anh có hơn 1000 gốc, hiện đã bán được 2/3, số quất còn lại trong vườn chủ yếu là quất bát và quất lùm. Do năm nay thời tiết thất thường, quất không đâm chồi nảy lộc nhiều nên rớt giá sơ với mọi năm. Tuy rớt giá nhưng sức tương đối ổn định so với mọi năm.
Anh Hưng nói: “Ở Văn Giang, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng quất cảnh và các loại rau, củ quả. Mặc dù không có quy định mùa vụ cụ thể nhưng người dân chúng tôi tự ước định thời gian để trồng xen canh cho phù hợp. Riêng với gia đình tôi, nhiều đời nay đã gắn bó với cây quất cảnh. Vì diện tích trồng nhiều nên tôi phải cắt tỉa với nhiều hình dáng khác nhau để phục vụ đa số nhu cầu của khách hàng. Năm nay, tôi trồng hơn 1000 gốc, ban đầu cũng khá lo lắng vì số lượng lớn, lại gặp phải thời tiết thất thường, có nguy cơ lỗ vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tai, lượng khách hàng tìm đến vườn quất nhà tôi vẫn khá đông nên tôi cũng thấy yên tâm phần nào”.
Ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Giang, cho biết: “Năm nay, diện tích quất cảnh trên địa bàn huyện tăng khoảng 20ha, nâng tổng diện tích lên trên 300ha. Do gần đây, nhiều điều phương trồng quất cảnh nên quất Văn Giang phải cạnh tranh gay gắt. Chưa kể, thời tiết năm nay không thuận lợi, nóng ấm nhiều, ít mưa nên ảnh hưởng không nhỏ đến mã quả, sắc lá, lộc xanh của cây quất. Những ngày cuối năm, bà con đang tập trung chăm sóc dưỡng quả, thúc cây quất phát lộc, hoa vào dịp Tết và mong muốn thị trường sẽ sôi động hơn trong những ngày giáp Tết”.