Quy định mới về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí
Giàn khoan tự nâng PV DRILLING II ( Ảnh nangluongvietnam.vn) |
Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 24/2020/TT-BCT là người điều hành hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập báo cáo tài nguyên trữ lượng dầu khí khi có các hoạt động tìm kiếm, thăm dò phát triển mỏ và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, nội thủy, đảo và quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí trong các hoạt động dầu khí.
Nhiệm vụ phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí tài nguyên dầu khí được phân thành hai nhóm là tài nguyên dầu khí đã phát hiện bằng giếng khoan và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện.
Đối với tài nguyên dầu khí đã phát hiện tùy thuộc vào tính khả thi về kỹ thuật, công nghệ và mức độ hiệu quả về kinh tế theo quan điểm đánh giá của người điều hành tại thời điểm lập báo cáo, tài nguyên dầu khí đã phát hiện được phân chia thành nhóm phát triển và nhóm chưa phát triển.
Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ việc phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí được thực hiện trên cơ sở kết hợp đánh giá mức độ tin cậy về các thông tin địa chất, địa vật lý, tính khả thi về kỹ thuật công nghệ và mức độ hiệu quả về kinh tế tại thời điểm lập báo cáo.
Bộ Công thương cũng giải thích rõ, đối với trường hợp cập nhật tài nguyên, trữ lượng dầu khí, các thông số tính toán phải theo một hệ đơn vị quốc tế. Ngoài ra, các trường hợp cập nhật tài nguyên, trữ lượng dầu khí, kết quả tính toán phải được so sánh với các kết quả trước đây và phân tích các nguyên nhân thay đổi. Đặc biệt, các thông số tính toán tài nguyên, trữ lượng dầu khí phải theo một hệ đơn vị thống nhất.
Việc lập, phê duyệt, đăng ký và cập nhật báo cáo, đối với nhóm phát triển, người điều hành lập, cập nhật báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí sẽ trình cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua trình Bộ Công thương và Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định Báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Với nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, ghi nhận, đánh giá và báo cáo Bộ Công thương để phục vụ cho công tác quản lí tài nguyên. Đặc biệt, đối với tài nguyên dầu khí đã phát hiện thuộc nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thống kê, cập nhật và ghi nhận nhằm mục đích phục vụ công tác quản lí và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò trong tương lai.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động dầu khí nếu việc áp dụng phân cấp và lập báo cáo có sự khác biệt so với lập quy định tại thông tư này thì người điều hành có trách nhiệm cung cấp các căn cứ, hồ sơ tài liệu để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công thương và Hội đồng thẩm định xem xét theo thẩm quyền.