Rút BHXH một lần, người lao động tự tước đi quyền lợi được an hưởng tuổi già
Thiệt đơn, thiệt kép
Thời gian gần đây, tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng tăng. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ BHXH một lần đối với gần 370.000 người, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó đồng nghĩa trong tương lai, những người lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp.
Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động.
Có nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định theo mong muốn của người lao động.
Ở tuổi “xế chiều” nhiều người lao động vẫn phải bươn chải kiếm sống để lo cho cuộc sống |
Đã từng rút BHXH một lần, giờ đây bà Nguyễn Thị Lành (Hoàng Mai, Hà Nội) ở tuổi “xế chiều” bày tỏ sự tiếc nuối khi về già không có lương hưu, phải bươn chải kiếm sống và phụ thuộc vào con cháu.
Ngày nào cũng vậy, trong khi mọi người còn đang say giấc nồng thì bà Nguyễn Thị Lành đã phải dậy sớm đi chợ đầu mối nhập rau, củ để kịp mang ra chợ dân sinh gần nhà bán. Ở tuổi 60, không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu, bà đều trông chờ hết vào gánh hàng rau, củ buôn bán hàng ngày. Trước đây, bà từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền mấy chục triệu đồng bà nhận về khi đấy chỉ đủ để mua bộ bàn ghế và một chiếc xe đạp cho gia đình.
Kể về cảnh chật vật mưu sinh, bà Lành tiếc nuối cho quãng thời gian đã từng đóng BHXH trước đây của mình. “Giờ tuổi cao, đáng lẽ được nghỉ hưu an nhàn thì ngày ngày mình vẫn phải lo làm kiếm sống. Lúc khỏe đã vậy, chỉ sợ lúc ốm đau, lại không có đồng ra đồng vào. Nhìn sang bà hàng xóm lĩnh lương hưu hằng tháng mà mình lại thèm muốn, giá như hồi đó suy nghĩ sâu xa, không lựa chọn rút trợ cấp một lần…”, bà Lành thở dài.
“Đích” cuối cùng là đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân
Thời gian qua, ngành BHXH luôn nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động tham gia, thụ hưởng chính sách, trong đó có người lao động rút BHXH một lần, đảm bảo đúng quy định. Song, vì quyền lợi an sinh lâu dài của người lao động, BHXH thành phố Hà Nội luôn khuyến nghị người lao động cần cân nhắc không nên rút BHXH một lần để không bị thiệt thòi quyền lợi cho bản thân.
Bởi, nếu người lao động nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH đã thanh toán một lần, và chỉ được tính thời gian đóng BHXH lại từ đầu. Như vậy người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu nhưng số tiền lương hưu sẽ thấp do thời gian đóng BHXH ít.
Việc người lao động tự rời “lưới” an sinh là tự tước đi quyền lợi được an hưởng tuổi già của chính mình |
Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí với quyền lợi hưởng lên đến 95% chi phí khám, chữa bệnh. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một khoản hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần.
Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của chính người lao động. Tại thời điểm không có điều kiện tham gia BHXH, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may người lao động qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất một lần hoặc hàng tháng theo quy định.
Do đó, việc người lao động tự rời “lưới” an sinh là tự tước đi quyền lợi được an hưởng tuổi già của chính mình.