Sách Trắng năm 2021 - bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp Hà Nội
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng năng động
Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tư nhân luôn duy trì ổn định trong khoảng 40%. Bước đầu, nước ta đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; Trình độ của đội ngũ doanh nhân được nâng cao và ngày càng lớn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thị sát tại Tổng Công ty May 10 (phường Sài Đồng, Long Biên) |
Khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân góp phần xóa đói, giảm nghèo ở mức độ rộng khắp, là yếu tố chủ chốt và bền vững tạo ra việc làm và thu nhập cho lao động khu vực ngoài Nhà nước. Khu vực này còn được cho là động lực thúc đẩy cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bởi đây là khu vực nhạy bén, năng động, dễ thích nghi với thị trường, sẵn sàng đổi mới để phát triển. Đồng thời các doanh nghiệp này có thể chuyển đổi cơ cấu của một nền kinh tế thông qua đổi mới, cung cấp các đầu vào trung gian và dịch vụ, cho phép chuyên môn hóa mạnh hơn trong sản xuất.
Động lực và chìa khóa phát triển bền vững kinh tế Thủ đô
Sách Trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2021 nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết về thực trạng, cơ cấu, sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; Giúp các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp của thành phố hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách về phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế Thủ đô; Phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. |
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Hà Nội đã có những bước phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2020, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn khoảng hơn 303.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố.
Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm thành phố Hà Nội có trên 25 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm, cao hơn 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015 và cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước khoảng 1,8 lần.
Từ năm 2016 đến nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân được Thành ủy, UBND thành phố và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, xác định “Doanh nghiệp là động lực và chìa khóa phát triển bền vững kinh tế của Thủ đô”.
Công nhân trên dây chuyền sản xuất (Ảnh minh họa) |
Quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp được tập trung hoàn thiện, cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù và dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ứng phó với dịch bệnh; Ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.
Sách Trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2021 |
Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2021 gồm: Phần I: Bối cảnh kinh tế xã hội năm 2020. Phần II: Tổng quan về doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Phần III: Đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Phần IV: Bộ chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. |
Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, thành phố cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chăm lo cho sự phát triển kinh tế hộ kinh doanh. Vì vậy, trong những năm qua, số hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Với mong muốn phản ánh một bức tranh toàn cảnh về thực trạng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp thông tin, phục vụ nghiên cứu, xây dựng định hướng chiến lược và các chính sách phát triển doanh nghiệp, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Cục Thuế thành phố phối hợp nghiên cứu, phân tích số liệu, tham khảo kinh nghiệm các cơ quan liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn và phát hành “Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2021”.