Sáng mãi tinh thần người Hà Nội
Nguồn cội sức mạnh của Thủ đô, đất nước
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, khi bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao cùng lời hát “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” vang lên, mỗi người dân Thủ đô lại bồi hồi một niềm xúc động và tự hào về những năm tháng quyết chiến quyết thắng, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của lớp lớp cha ông.
Ngược dòng thời gian trở về 70 năm trước, sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ; chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Đại đoàn 308 tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu |
8 giờ sáng 10/10/1954, bắt đầu một cuộc diễu binh lực lượng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đi trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào cửa Đông Thành Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và nhà Đấu Xảo.
Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, Nhân dân Hà Nội dâng hoa, cờ, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng Đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ... trở về, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.
Ngày 10/10/1954 ghi dấu vào lịch sử dân tộc là ngày Hà Nội sạch bóng quân thù. Tinh thần, quyết tâm giải phóng Thủ đô, tinh thần “đem vinh quang sức dân tộc trở về” không chỉ dừng lại ở ngày 10/10/1954, mà mãi về sau vẫn được nhân lên với tầm rất cao và tiếp nối trong suốt quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội. Bởi đó chính là cội nguồn sức mạnh của Thủ đô, của đất nước và của dân tộc.
Điển hình như khi chúng ta chuyển sang nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội có hai phong trào được khởi phát thành làn sóng mãnh liệt trong cả nước, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, huy động cao độ sức đóng góp vào công cuộc chống Mỹ cứu nước là phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và phụ nữ “Ba đảm đang”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Chiến công và khí phách của người Hà Nội đã thể hiện đậm nét nhất, tạo thành kỳ tích chính là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của 12 ngày đêm năm 1972. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài động viên người dân tổng vệ sinh môi trường sau bão số 3 |
Bình tĩnh, bản lĩnh trong gian khó
Trong khó khăn, những phẩm chất, bản lĩnh của người Hà Nội đã làm nên sức mạnh. Điển hình là trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, cuộc chiến chưa có tiền lệ, cùng với thái độ trầm tĩnh, bình thản là khả năng thích ứng, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sẵn có của người Hà Nội. Đại đa số người dân Hà Nội đều thực hiện và có ý thức tuân thủ rất tốt các chỉ thị của TP, làm nên một tinh thần chống “giặc” COVID-19 rất ấn tượng. Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong các đợt chống dịch, nhiều mô hình tốt đã xuất hiện tại Hà Nội, lan rộng ra cả nước.
Khi các tỉnh bị bùng phát dịch bệnh, Hà Nội ngay lập tức cử các đoàn y, bác sĩ hỗ trợ các tỉnh tại các “điểm nóng” này. Bên cạnh đó, TP còn hỗ trợ về nguồn lực, vật lực, kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Ngược lại, Hà Nội cũng không lẻ loi trong cuộc phòng, chống dịch mà luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các địa phương khác.
Những ngày qua, cùng với nhiều tỉnh thành phía Bắc, Thủ đô Hà Nội cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số. Phát huy tinh thần, bản lĩnh người Hà Nội, các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở cùng người dân đã bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo an toàn trước thiên tai bão lũ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 Bí thư Quận, Huyện, Thị ủy tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm hỏi, động viên người dân phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội |
Các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến của mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.
Cùng với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã bám sát các địa bàn được phân công phụ trách, trực tiếp thị sát, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời tình hình thực tế tại địa phương.
Ban Cán sự Đảng UBND TP, các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách như kịp thời di dời người dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn; bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý các sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; duy trì thông suốt các cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo đảm an ninh an toàn; nhờ đó về cơ bản TP vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân.
Với tinh thần tương thân tương ái, người dân Hà Nội đã cùng cả nước chung tay hỗ trợ bà con các địa phương bị thiệt hại do bão lũ, nhằm san sẻ bớt những khó khăn. Từ các học sinh, các tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp... mỗi người một chút, ai có gì góp nấy. Ngay cả các nhà xe cũng sẵn sàng chở miễn phí hàng hóa lên những vùng mưa lũ. Trong khó khăn, người dân Thủ đô một lần nữa cùng Nhân dân cả nước thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Nhiều cuộc họp, hội nghị được TP Hà Nội tổ chức để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có việc triển khai Luật Thủ đô |
Giữ điểm tựa để TP phát triển
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. GRDP của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Hà Nội xây dựng Nông thôn mới (NTM) về đích trước 2 năm so với kế hoạch. 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều, bền vững trên toàn địa bàn TP. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03% và đã có 18/30 quận, huyện, thị xã của TP không còn hộ nghèo
Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng TP thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…); Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…
Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, TP.
Trong khó khăn, người dân Thủ đô luôn cùng Nhân dân cả nước thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái |
Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP Hà Nội trong tương lai…
Nhìn lại lịch sử của dân tộc, dù trong hoàn cảnh nào, khí phách, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, Nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục soi đường, chính là điểm tựa để TP tiếp tục phát triển.
Như TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô. Hà Nội đang phát triển to lớn, sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ
Tập trung phát triển Hà Nội trong thời gian tới, với sự tiếp sức của Luật Thủ đô (sửa đổi), là nguyện vọng chung của cả nước, là mong mỏi của người dân cả nước, bởi Hà Nội là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của đất nước; bởi khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển…