SARS-CoV-2 và những diễn biến khó lường
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân tại Ấn Độ (Ảnh: Xinhua) |
Kháng thể chống virus SARS-CoV-2 không tồn tại lâu
Đây là kết quả của một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, ở Los Angeles, Mỹ. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu đối với 34 bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ đã phục hồi.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm máu của những người này từ 2 đến 3 lần trong vòng 3 tháng và phát hiện thấy lượng kháng thể (các protein trong hệ miễn dịch có nhiệm vụ ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào cơ thể) trung bình đã giảm một nửa cứ sau 73 ngày.
Trước đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Collage London ở Anh cho thấy sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể trước virus này sẽ suy giảm sau vài tháng.
Cụ thể, phản ứng kháng thể có thể bắt đầu giảm từ 20 - 30 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19.
Hiểu biết của con người về virus SARS-CoV-2 vẫn còn hạn chế, nên mỗi cá nhân cần có những biện pháp phòng chống hiệu quả (Ảnh: Kyodo News) |
Theo kết quả nghiên cứu khác của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tháng trước, kháng thể chống virus SARS-CoV-2 thể chỉ tồn tại được 2 - 3 tháng trong máu bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân không triệu chứng có kháng thể ít hơn người phát triệu chứng.
Họ xét nghiệm 23.000 mẫu máu của các y bác sĩ ở Vũ Hán, với ít nhất 25% đã từng nhiễm Covid-19, tuy nhiên chỉ 4% mẫu phát hiện có kháng thể. Hơn 10% bệnh nhân thậm chí mất kháng thể bảo vệ chỉ trong vòng 1 tháng sau khi nhiễm.
Phát hiện này làm tăng lo ngại cho rằng khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 sẽ không thể tồn tại lâu ở những bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, vốn chiếm phần lớn trong số các ca mắc Covid-19 hiện nay. Nếu kháng thể biến mất nhanh như vậy, liệu bệnh nhân Covid-19 có gặp nguy cơ tái nhiễm?
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục tiến hành thêm nghiên cứu sâu hơn nữa để xác định ngưỡng để bảo vệ số lượng kháng thể cũng như tỷ lệ giảm kháng thể chống virus SARS-CoV-2 sau 90 ngày.
Số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục
Tính đến sáng 26/7, toàn thế giới đã ghi nhận trên 16 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 647.000 ca tử vong.
Theo số liệu hãng tin Reuters tổng hợp, 40 quốc gia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục trong tuần vừa qua, với tổng số ca lây nhiễm mới tăng gấp đôi tuần trước.
Giới chức chính quyền và các chuyên gia y tế nhận định, số ca nhiễm và tử vong có thể còn cao hơn mức công bố, đặc biệt là ở những nước nghèo, nơi có hệ thống y tế yếu kém. Hãng tin Reuters mới chỉ thu thập dữ liệu về những nước công bố thông tin về đại dịch Covid-19 hằng ngày.
Ba quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất trong 24 giờ qua lần lượt là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Tính đến sáng 26/7, Mỹ ghi nhận hơn 61.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, trong hai ngày liên tiếp 24 và 25/7, Mỹ chứng kiến số mắc Covid-19 tăng ở mức trên 70.000 ca và số tử vong tăng trên 1.000 ca.
Sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm giảm vào cuối mùa xuân, Mỹ đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại, đặc biệt ở các bang miền Tây và miền Nam như California, Texas, Alabama và Florida. Trong 11 ngày vừa qua, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đều ở mức trên 60.000 ca/ngày.
Người dân đi bộ ở New Orleans, Mỹ (Ảnh: Getty) |
Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ tử vong thường tăng trong khoảng 3 - 4 tuần sau khi số ca nhiễm tăng. Trong khi đó, trong 3 ngày qua, số ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ đã ở mức trên 1.000 ca, sau khi vượt mức 500 ca/ngày vào khoảng cuối tháng 6.
Ngày 25/7, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã ghi nhận 133 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đặc khu này.
Theo thống kê, kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 1, tổng số ca nhiễm tại Hong Kong đến nay lên tới khoảng 2.000 ca, số ca tử vong là 18 ca.
Tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 295 ca nhiễm trong ngày 25/7. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại thành phố này ở mức trên 200 ca. Tổng số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 10.975 ca.
Trong khi đó, một số khu vực đô thị khác cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 5. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản tính đến nay khoảng 30.000 ca.
Tại Châu Âu, Nga là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất với 806.720 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được xác định và hơn 13.000 ca tử vong.
Nam Phi hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất Châu Phi với khoảng 434.000 ca, trong đó có ít nhất 6.000 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 26/7 đưa tin Bình Nhưỡng đã thông báo về ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Đây là một người trở về Triều Tiên ngày 19/7 sau khi vượt biên trái phép.
Theo KCNA, ngày 25/7, Chủ tịch Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp khẩn của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận về “một sự việc khẩn cấp xảy ra ở thành phố Kaesong”.