Sau bão số 3, công tác khám chữa bệnh tiếp tục được đảm bảo
Đảm bảo công tác thường trực chuyên môn 24/24 giờ
Trước cơn bão số 3, các bệnh viện và đơn vị y tế trên địa bàn TP đều chủ động lên các phương án phòng tránh, đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Công tác thường trực chuyên môn 24/24 giờ, trực bão... đảm bảo đúng quy định, hoạt động thu dung điều trị bệnh nhân duy trì tốt, kịp thời tiếp nhận cấp cứu người bệnh, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi mưa bão, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Các cơ sở y tế cũng chuẩn bị máy phát điện dự phòng và cơ số nhiên liệu đủ để duy trì nguồn điện dự phòng trong thời gian bị cắt điện trong và sau bão.
Nhiều cây đổ do ảnh hưởng cơn bão số 3 gây tai nạn cho người đi đường |
Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tối 7/9, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca tai nạn do mưa bão.
Ca thứ nhất là cụ ông 80 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm bị gạch rơi vào người chảy máu, được Trung tâm cấp cứu 115 đưa vào nhập viện. Sau khi chụp chiếu, các bác sỹ xử trí vết thương ổn định, do vết thương không quá nặng, gia đình xin về nhà theo dõi.
Ca thứ hai vào nhập viện chiều 7/9 trong tình trạng chấn thương sọ não. Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc mưa bão, bệnh nhân trèo lên mái tôn và bị rơi xuống đất. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ cấp cứu.
Để ứng phó với bão số 3, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cử lực lượng ứng trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân 24/24 giờ. Ngoài ra, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị, phẫu thuật cho các bệnh nhân khác vẫn diễn ra bình thường.
Các nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 tiến hành cấp cứu cho người dân |
Trước và trong cơn bão số 3, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vẫn đảm bảo về số lượng xe, phương tiện cũng như nhân viên cấp cứu để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra khi bão đổ bộ gây thiệt hại cho người dân.
Đơn vị huy động khoảng 16 xe cấp cứu, hoạt động 24/24 giờ để ứng cứu. Trường hợp nặng như khó thở, nhồi máu cơ tim, sốt cao, tăng huyết áp, tai nạn... được ưu tiên vận chuyển trước.
Trong ngày 7/9, hơn 150 lượt xe nối tiếp luân phiên di chuyển trong mưa bão, đạt mức tối đa phục vụ của đơn vị; hơn 50 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... trắng đêm làm việc. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ vận chuyển cho xe cấp cứu từ các tỉnh khác đến bị mưa bão nước ngập chặn đường.
Đảm bảo an toàn cho người bệnh
Trước cơn bão số 3, Bệnh viện Bạch Mai đã dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, cùng với các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Đội ngũ y tế trực cấp cứu 24/24 giờ và các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết, đảm bảo mọi tình huống đều được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Lực lượng ứng trực tại bệnh viện Bạch Mai dọn dẹp các cây đổ trong khuôn viên |
Cùng với đó, Trung tâm Dinh dưỡng phối hợp với nhà ăn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống… cho người bệnh trước, trong và sau bão.
Trong ngày 7/9, Trung tâm Gây mê hồi sức có rất đông bệnh nhân nặng phẫu thuật cấp cứu. Hai khu kỹ thuật gồm tầng 4 tòa nhà Q, nhà P và khu Hồi sức Ngoại thực hiện cấp cứu nhiều bệnh nhân nặng. Trung tâm Cấp cứu A9 vẫn tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu từ các nơi chuyển đến.
Trong ngày 7/9, BV Bạch Mai đã phẫu thuật cấp cứu, hồi sức nhiều bệnh nhân nặng |
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Đánh giá cơn bão số 3 là siêu bão sẽ có những diễn biến không lường nên trước đó toàn ngành Y tế Thủ đô đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng phòng, chống bão lụt để không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Thứ hai là chuẩn bị tốt về mặt nhân lực, các tổ cấp cứu cơ động, tổ phẫu thuật cơ động về sẵn sàng nhận vụ, các tổ đó có thể trực tại bệnh viện 24/24 giờ trong giai đoạn bão.
Thứ ba, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao hóa chất đầy đủ để phục vụ công tác khám bệnh và các máy móc, trang thiết bị y tế; đặc biệt là hóa chất để xử lý môi trường sau khi nước rút.
Thứ tư, các đơn vị liên tục theo dõi, bám sát diễn biến của cơn bão và thông tin, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn, đặc biệt là các UBND quận huyện, Phòng Y tế để có những thông tin kịp thời để hợp đồng tác chiến trong công tác phòng, chống lụt, bão trong trường hợp khi có những vụ việc xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như ví dụ như ngập lụt, cây đổ, nhà cửa bị sập...
Các đơn vị cũng nhanh chóng khẩn trương tiến hành các biện pháp để đảm bảo được sức khỏe và tính mạng và cũng như tài sản của người dân".
Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung lực lượng khẩn trương thu dọn, tổng vệ sinh buồng bệnh và ngoại cảnh, sửa chữa, khắc phục các sự cố, kiểm tra lại các trang thiết bị y tế, máy móc... sẵn sàng tiếp đón, phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh.