Sau Tết giá rau xanh, hoa tươi "tụt dốc" không phanh
Người trồng rau lo lắng
Khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Hàng Da, Hàng Bè, Thành Công, chợ Hôm, Châu Long, Đa Tốn… giá bán các mặt hàng trái cây và thịt gia súc, gia cầm cơ bản đã giảm về bằng giá của ngày thường. Riêng một số loại rau củ thì giảm giá mạnh so với thời điểm cận Tết, nguyên nhân do nguồn cung dồi dào.
Cụ thể, các loại thực phẩm như thịt lợn mông sấn có giá khoảng 90.000 đồng/kg, sườn 80.000 - 110.000 đồng/kg, ba chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, thịt bò từ 280.000 - 350.000 đồng/kg (tùy loại), tôm sú giá 450.000 - 530.000 đồng/kg, giá các loại giò lụa đang dao động ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, gà ta nuôi thả giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, cá chép loại to 130.000 đồng/kg, cá trắm loại to từ 90.000 đồng/kg… Ngược lại, rau xanh “tụt dốc” không phanh. Cụ thể: Rau cải ngọt có giá 10.000 đồng/3 mớ, cải cúc 10.000 đồng/3 mớ, rau cần 5.000 đồng/mớ, cải bó xôi 10.000 đồng/kg, su hào 3.000 đồng/củ, bắp cải 7.000 đồng/cây...
Chị Vương Thị Hà, một tiểu thương bán rau củ ở chợ Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Khác với mọi năm, năm nay giá rau củ giảm khá mạnh. Nguyên nhân do khoảng thời gian trước và sau Tết, thời tiết thuận lợi, nắng ấm, tạo thuận lợi cho các loại rau ăn lá sinh trưởng, phát triển. Đặc biệt, sự vào cuộc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã tăng cường lượng rau cung ứng cho thị trường nên nguồn cung phong phú”.
Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm, rau xanh phục vụ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã ký kết nhiều hợp đồng mua rau tại các địa phương trên cả nước như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Đà Lạt (Lâm Đồng)… về Hà Nội tiêu thụ. Trong hợp đồng nêu rõ doanh nghiệp phải đảm bảo lượng hàng cho siêu thị, giá bán không tăng bất hợp lý. Cùng với đó, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng cam kết thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường nên giá cả luôn được giữ ở mức ổn định.
Lo lắng cho những người dân trồng rau gặp nhiều khó khăn khi giá rau xanh liên tục bị sụt giảm, chị Nguyễn Hoàng Vân (người trồng rau ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Nếu giá cả các loại rau xanh cứ tiếp tục giảm như hiện nay, những người trồng rau như chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Hoa tươi “cho không đắt”
Không chỉ rau xanh giảm giá mạnh mà các loại hoa tươi cũng đang trong tình trạng "bán như cho". Trước Tết, giá bán một số loại hoa ly, hoa đào, hoa dơn, hoa cúc, hoa hồng, thược dược… cao ngất ngưởng thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá hoa tươi giảm mạnh chỉ còn bằng 1/10 so với trước Tết.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại chợ đầu mối hoa tươi Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) và các vườn hoa ở làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), kể từ mùng 5 Tết giá hoa ly, hoa hồng, thược dược - những loại hoa "hot" bán siêu đắt trước Tết bị tụt giá kinh hoàng. Trong đó, hoa ly mất giá nhiều nhất, thậm chí có lúc, giá hoa ly còn tụt xuống thấp hơn cả hoa hồng và thược dược. Cụ thể, tại thời điểm trước 30 Tết, hoa ly có giá từ 300.000 - 700.000 đồng/bó 10 cành tùy loại hoa và số lượng tai trên từng cành. Bán lẻ, hoa ly có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/cành. Tuy nhiên, kể từ ngày mùng 5 Tết, người Hà Nội ngỡ ngàng vì ly rẻ bất ngờ, giá bán lẻ chỉ còn từ 10.000 - 20.000 đồng/cành.
Anh Trần Văn Huy, quê ở Hưng Yên, một người dân kinh doanh hoa tại chợ hoa Quảng Bá cho biết, cách đây 2 tuần, giá bán lẻ hoa ly dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/cành thì hiện tại giá bán buôn chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/cành. Trên đường Lạc Long Quân, các điểm bán hoa ly thanh lý đổ đống hàng trăm bó với đủ màu sắc, trong đó phổ biến nhất là hoa ly màu hồng, mỗi cành từ 5 đến 7 bông nhưng giá bán cũng chỉ 8.000 - 10.000 đồng/cành.
Thực tế cho thấy, không chỉ hoa ly mới rớt giá mà hoa đào, địa lan, hoa dơn... cũng trong tình trạng tương tự. Nếu như trước Tết Nguyên đán, một cành đào to đẹp có thể bán với giá 300.000 - 700.000 đồng thì sau Tết chỉ bán được với giá từ 70.000 - 150.000 đồng, những cành đào nhỏ giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng. Đối với hoa dơn, thời điểm trước Tết, một bó 10 bông bán 150.000 - 170.000 đồng thì thời điểm hiện tại chỉ bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/bó. Ngay cả loại hoa đắt tiền được xếp vào hàng “sang chảnh” như địa lan cũng đang “đại hạ giá” để tiêu thụ. Hoa địa lan trước Tết có giá từ 3 - 5 triệu đồng/chậu thì sau Tết, các thương lái bán như cho với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/chậu địa lan Đà Lạt.
Lý giải nguyên nhân khiến giá hoa ly, hoa đào, địa lan… giảm mạnh, những người bán hàng cho biết, năm vừa rồi là năm nhuận, thời tiết thay đổi đột ngột. Gần Tết có một đợt rét đậm khiến nụ hoa không thể phát triển kịp phục vụ Tết, đến thời điểm này mới được thu hoạch nhưng không vào đúng dịp nên sức tiêu thụ trên thị trường chậm.
Theo chia sẻ của nhiều người buôn đào tại chợ hoa Quảng Bá, một năm họ thường có ba đợt bán đào. Lần đầu từ Tết Dương lịch, lần thứ hai từ ngày 23 tháng Chạp đến chiều ngày cuối cùng của năm, lần ba là từ mùng 4 đến rằm tháng Giêng. Đào sau Tết giá bán rẻ hơn rất nhiều đào bán trước Tết bởi nếu không hạ giá để bán thu hồi một phần vốn thì cũng chỉ biết vứt bỏ đi.
Trước tình trạng giá hoa tươi bị sụt giảm mạnh, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cá nhân, nhóm các bạn trẻ kêu gọi người dân Thủ đô giải cứu hoa. Trong đó có rất nhiều lời kêu gọi giải cứu gây sự chú ý và ủng hộ của người dân. Chia sẻ của một bạn trẻ có tài khoản Facebook là Ngoc Lien viết: "Mua hoa ly đi mọi người ơi, có 2.000 đồng/cành thôi. Giúp bà con nông dân đi. Người nông dân luôn nằm trong tình cảnh bấp bênh. Bao nhiêu công chăm sóc mới được những cành hoa đẹp thế này mà chặt bỏ, để hoa rụng thì đau xót lắm".
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến hết tháng Giêng, nhu cầu mua bán, tiêu thụ thực phẩm, rau xanh của người dân sẽ có nhiều biến động. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cần lên kế hoạch, chủ động nguồn hàng để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, các hộ dân trồng rau, trồng hoa cần theo dõi sát tình hình thời tiết để có những ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại nặng về kinh tế.