Sẽ đình chỉ hoạt động các cơ sở bán lẻ thuốc đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Trao 1.000 chai nước rửa tay và 1.000 khẩu tặng thanh niên
Tuổi trẻ Hà Đông tặng 1.000 khẩu trang để phòng dịch
Phát hiện đối tượng vận chuyển khẩu trang lậu đi tiêu thụ trong đêm
180.000 chiếc khẩu trang giúp đoàn viên, sinh viên Thủ đô chống dịch
Theo đó, ngày 5/2/2020, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 953/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tiếp theo, ngày 18/2/2020, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 1705/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc mất cân đối cung cầu đối với khẩu trang y tế, tăng giá bán khẩu trang trong thời gian cả nước đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 3/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh Covid-19, ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động làm đầu mối hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.
Trong đó, các đơn vị đặc biệt lưu ý giám sát đối với việc kinh doanh khẩu trang y tế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đây là mặt hàng đang có diễn biến phức tạp về nhu cầu của nhân dân và nguồn cung của các nhà sản xuất.
Đối với hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế, ngoài việc xử phạt bằng tiền, các Sở Y tế cần xem xét áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; Đình chỉ hoạt động kinh doanh dược của nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc khác theo quy định tại các Điều 46, 47 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan.
Kết quả thanh, kiểm tra bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 23/3 gửi về Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, gồm: Danh sách các cơ sở bán lẻ thuốc vi phạm; hành vi vi phạm; số tiền bị phạt; hình thức xử phạt bổ sung...